Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Kinh tế - Ngày đăng : 02:55, 06/01/2023

(BKTO) - Năm 2023, ngoài sự nỗ lực và quyết liệt hơn thì rất cần hành động kịp thời trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực, góp phần đạt mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Đây là vấn đề được ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán, xung quanh việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
10-.jpg
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh sưu tầm

Thưa ông, với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2023?

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2022 là rất phấn khởi. Chúng ta đã có thay đổi căn bản trong cách thức phòng, chống dịch, chuyển từ bị động sang chủ động và dài hạn hơn. Sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự hợp tác của người dân và quyết tâm, hành động quyết liệt của cơ quan nhà nước đã đóng góp cho những kết quả tích cực đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bộc lộ một số hạn chế và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: Năng suất lao động, thị trường vốn… và doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, như: Vốn, đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu… Có thể miêu tả nền kinh tế giống như bức tranh 2 màu sáng - tối đan xen.

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó đề ra một số mục tiêu tăng trưởng kinh tế cơ bản, như: Tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5% và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 5-6%.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian cùng với Chính phủ để thảo luận, đánh giá về kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình năm 2023; cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố thuận lợi, thách thức trước khi thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tôi cho rằng, để đạt được chỉ tiêu phát triển đã đề ra đòi hỏi phải vượt qua nhiều thách thức. Chính phủ cũng đã xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và còn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất ngờ, bất định khác vượt khỏi khả năng dự báo của tổ chức quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, chỉ tiêu trên cũng thể hiện quyết tâm của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu này.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 xác định mục tiêu ưu tiên là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng… Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, theo ông, trong điều hành kinh tế nước ta cần quan tâm những vấn đề gì để đảm bảo mục tiêu này?

Tại Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, có 10 nhóm giải pháp đã được xác định và thực hiện. Điểm khác biệt lớn nhất của các nhóm giải pháp này so với trước đó là yêu cầu về triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, kịp thời hơn. Yêu cầu này là rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới đòi hỏi quyết định nhanh hơn và tính thích ứng cao hơn. Do đó, vấn đề đầu tiên là đảm bảo thực hiện được đầy đủ tinh thần theo yêu cầu này. Đây là yếu tố then chốt để góp phần đạt các chỉ tiêu đã đề ra.

Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chương trình, chính sách về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và trong trung và dài hạn, như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, các Chương trình mục tiêu quốc gia... Việc sớm thực hiện thành công các chương trình, chính sách này chính là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Do đó, vấn đề tiếp theo là tháo gỡ ngay được các vướng mắc về thủ tục (nếu có) và cần phải đẩy mạnh thực hiện để sớm hoàn thành các chương trình, chính sách này; đồng thời, dành thêm thời gian, nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ khác đã đề ra.

Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, tổ chức sản xuất kinh doanh, như: Thị trường, đơn hàng, lao động, chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững… Những bất cập của một số thị trường quan trọng như: Đất đai, bất động sản, tài chính, y tế, lao động… đã được nhận diện. Như vậy, việc tiếp tục có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, các giải pháp ngắn hạn cũng cần phải mang tính tổng thể, tránh trường hợp chỉ dành cho một nhóm doanh nghiệp, một lĩnh vực hoặc khu vực doanh nghiệp.

Các bất cập khi đã được nhận diện thì việc tháo gỡ ngay là rất quan trọng. Ở khía cạnh này thì trong bối cảnh mới cần có cách làm mới. Thậm chí, có thể cân nhắc việc sửa ngay hay bỏ một quy định pháp luật thuộc thẩm quyền trước khi sửa đổi toàn diện trong dài hạn.

Năm 2023 cũng là năm cuối tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả thực hiện Chương trình cũng như những lưu ý để triển khai Chương trình đạt hiệu quả như mong đợi?

Trước hết, cần nhắc lại rằng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, để giải quyết những vấn đề cấp bách, không dàn trải, có thời hạn nhằm thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Mục tiêu của Chương trình nhằm giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân góp phần phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, như đã nói ở trên, việc thực hiện thành công Chương trình tạo động lực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Thời gian qua, một số chính sách trong Chương trình được triển khai song chưa đáp ứng yêu cầu và theo đúng kế hoạch một phần do năm vừa qua phải tập trung thời gian ban hành hướng dẫn và hoàn tất các thủ tục pháp lý. Như vậy, dư địa để thực hiện tốt hơn trong năm nay là có và cũng là thời gian quyết định việc thực hiện thành công Chương trình. Do đó, các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức có liên quan cần nỗ lực hơn, quyết liệt hơn hoàn thiện toàn bộ các thủ tục, chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhanh ngay sau khi nhận giao vốn; đồng thời rà soát điều kiện, thủ tục chưa hợp lý để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi và điều chỉnh chương trình nếu không còn phù hợp với hoàn cảnh thay đổi. Tóm lại, điều quan trọng lúc này là tập trung, quyết liệt và nỗ lực hơn nữa trong triển khai và cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc hoặc điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

N. HỒNG (Thực hiện)