Khơi dòng vốn chảy

Tài chính - Ngày đăng : 03:26, 06/01/2023

(BKTO) - Những tháng cuối năm, hàng loạt các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành đã được đưa ra nhằm nối lại dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
cach-mang-cn-4.0.jpg
Nhiều chính sách hỗ trợ làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Ảnh sưu tầm

Nỗi lo đứt gãy dòng tiền

Đánh giá về kinh tế năm 2022, PGS,TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng, sự phục hồi kinh tế trên nhiều mặt đã đạt được kết quả tích cực, một số lĩnh vực đạt được kết quả như trước khi có dịch Covid-19. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên bên cạnh đó, những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết... Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với sức ép lên tỷ giá, lãi suất và thanh khoản. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.

Đặc biệt vấn đề nguồn vốn trở thành một điểm nghẽn nghiêm trọng, hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương gặp nhiều khó khăn. Nỗi lo về nguy cơ đứt gãy dòng tiền trở thành hiện hữu khi các kênh tài trợ vốn cho doanh nghiệp đều khó khăn và bị thắt chặt.

Trái phiếu - kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế đã trở nên trầm lắng khi xảy ra một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng phải vào cuộc. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) - cho biết, trong 11 tháng năm 2022, có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra quốc tế trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Cùng với đó là làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn nhằm tránh rủi ro thị trường, rủi ro pháp lý. Điều này sẽ khiến một bộ phận dòng vốn rút khỏi hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.

Ngay từ quý II/2022, đã có tiếng nói phản ánh về về tình trạng khó vay vốn ngân hàng. Cho đến cuối năm, doanh nghiệp càng khó khăn về vốn. Sự việc đầu tháng 10/2022 đã khiến kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế trở nên căng thẳng thanh khoản, lãi suất bắt đầu gia tăng trong nỗi e ngại về cuộc đua lãi suất như từng diễn ra trong quá khứ cùng với áp lực tỷ giá.

Trên thị trường chứng khoán - kênh tài trợ vốn dài hạn, nhiều doanh nghiệp hủy, hoãn hoặc điều chỉnh các phát hành tăng vốn điều lệ với lý do thị trường không thuận lợi. Dòng vốn bị tắc nghẽn từ cả hai công cụ nợ quan trọng đã khiến tâm lý bất an, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp sụt giảm từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm, có thời điểm xuống dưới ngưỡng 900 điểm. Nhà đầu tư hạ thấp tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ lệ tiền mặt nắm giữ khi dự báo rủi ro gia tăng.

Khi kinh tế suy giảm thì đầu tư công là cứu cánh để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề giải ngân đầu tư công cũng là thách thức. Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 đạt 58,33% so với kế hoạch được giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).

Nhiều chính sách khơi thông dòng vốn

Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định: Tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%.

PGS,TS. Hồ Sỹ Hùng cho rằng các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra qua giải trình của Chính phủ và thảo luận của Quốc hội (kỳ tháng 10-11/2022) dù được cân nhắc kỹ, nhưng không phải dễ dàng đạt được. Thách thức bên ngoài vẫn hiện hữu: Dịch bệnh, rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn; kinh tế thế giới suy thoái nhẹ…

Trước tình hình đó, trong những ngày cuối năm 2022, Chính phủ và các cơ quan quản lý có hàng loạt động thái thực hiện các chính sách hỗ trợ thị trường, làm tiền đề đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023. Trong Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc…

Trong Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững.

Bộ Tài chính đã trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một số nội dung quan trọng như: Giãn thời gian thực hiện quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và quy định xếp hạng tín nhiệm, cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kết hợp nhuần nhuyễn các chính sách và giải pháp như: Bơm thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng; tăng biên độ tỷ giá; 2 lần liên tiếp điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng… Mới đây nhất, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tăng thêm 1,5-2%. Đồng thời, NHNN đưa ra kỳ hạn 91 ngày trên kênh cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở, thay vì chỉ 14 ngày trước đó.

Đà phục hồi năm 2022 sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới. Nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế./.

NGUYỄN LA THÀNH