Nhận diện cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp trong năm 2023

Tài chính - Ngày đăng : 03:51, 06/01/2023

(BKTO) - Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần phải nhận diện đầy đủ, sâu sắc những cơ hội, thách thức để có đủ niềm tin và động lực “vượt sóng” lớn, tiếp tục duy trì sự phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
cong-nghiep-o-to.jpg
Dự báo, năm 2023 DN sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ảnh sưu tầm

Doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng tích cực

Nhìn lại năm 2022, số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước có 208.300 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước, bình quân một tháng có 17.400 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 143.200 DN, tăng 19,5% so với năm trước, bình quân một tháng có 11.900 DN rút lui khỏi thị trường. Có thể thấy, số DN gia nhập thị trường đã cao hơn và tăng nhanh hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường.

Nhận định về những yếu tố dẫn đến sự phục hồi khả quan của khu vực DN, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt mức tăng trưởng 8,02% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra… Đây là những điểm nhấn tích cực nhất trong năm 2022 và là điểm tựa cho sự phục hồi của cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8% so với năm trước, tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao… Đồng thời, khu vực kinh tế đối ngoại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Đây là những bệ đỡ chính giúp khu vực DN phục hồi. Ngoài ra, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách miễn, giảm thuế, phí… đã tạo thêm những “lực đẩy” giúp củng cố năng lực phục hồi cho DN.

Bước sang năm 2023, theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, có một số điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của cộng đồng DN, đó là, nhu cầu tiêu dùng dự báo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ là một cú hích thuận lợi cho các DN. Bên cạnh đó, với điều kiện thu ngân sách nhà nước đạt khá cao trong năm 2022 (đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước), đem đến kỳ vọng việc triển khai các gói hỗ trợ sẽ diễn ra nhanh hơn trong năm 2023 - năm cuối phải hoàn thành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh của DN. Mặt khác, quyết tâm của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ đầu tư công cho cơ sở hạ tầng cũng có thể kích hoạt một số lĩnh vực kinh doanh hoạt động khởi sắc hơn trong năm 2023.

Chia sẻ thêm yếu tố thuận lợi, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, với việc Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực với tổng cộng 53 đối tác thương mại ở 4 châu lục, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN để có thể tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần ở các thị trường. Ngoài ra, việc Trung Quốc sẽ hủy bỏ chính sách “Zero Covid”, mở cửa biên giới trở lại ngay từ đầu năm 2023, sẽ làm giảm căng thẳng về việc đứt gãy chuỗi cung ứng và là cơ hội rất lớn để nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước

Mặc dù đánh giá năm 2023 có những điều kiện thuận lợi nhất định đối với cộng đồng DN, tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn, thách thức cũng là không nhỏ. Phân tích cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đều cho thấy viễn cảnh năm 2023 không “sáng sủa” cho xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong năm 2023 đều giảm so với năm 2022 (riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở Liên minh châu Âu như: Đức, Italia…). Dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới về tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn cũng theo chiều hướng tương tự (Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% của năm 2022; Liên minh châu Âu thậm chí là -0,7% trong khi năm 2022 tăng 5,4%). “Cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường của DN bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí là với các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường nước ngoài” - bà Trang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong quý IV/2022, đã xảy ra tình trạng nhiều DN ở các ngành nghề, địa phương gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2022, đã có 1.242 DN tại 44 địa phương gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động của hơn 482.120 nghìn lao động. Dự báo, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quý I, thậm chí đến hết quý II/2023, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN. Đồng thời, các DN cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, cũng như chi phí vốn vay vẫn đang ở mức khá cao…

Trong bối cảnh dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, cùng với rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao trong năm 2023, các chuyên gia khuyến nghị, cộng đồng DN cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế cả trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn./.

Theo Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, dự kiến, quý I/2023, có 31,5% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; có 37,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số DN dự báo khó khăn hơn.

DIỆU THIỆN