Bang Odisha, Ấn Độ: Nhiều sai phạm trong quản lý rác thải đô thị
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 06:45, 05/01/2023
Trong Báo cáo kiểm toán hoạt động gần đây nhất về “quản lý chất thải ở khu vực đô thị”, CAG cho biết, việc không xây dựng được chiến lược, chính sách nhằm xử lý chất thải an toàn, việc không thu phí người sử dụng từ các nhà máy phát điện đã gây ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý chất thải rắn (SWM) của chính quyền tiểu bang và các cơ quan dân sự đô thị.
Báo cáo kiểm toán của CAG nhấn mạnh, tính đến tháng 3/2021, chính quyền Odisha đã không khởi xướng bất kỳ chiến lược hoặc chính sách nào để giảm thiểu, tái sử dụng hoặc tái chế chất thải dẫn đến việc đổ 90% chất thải tại bãi chôn lấp và bãi rác thải mà không qua xử lý. CAG cho biết: “Quy tắc SWM 2016 ban hành ngày 08/4/2016 quy định, chính quyền tiểu bang phải xây dựng chính sách và chiến lược của nhà nước về SWM trong vòng 1 năm kể từ khi Quy tắc được phổ biến. Tuy nhiên đến tháng 02/2022, Bộ Phát triển nhà và đô thị (H&UD) đã không thông báo chính sách nhà nước về SWM tích hợp”.
Tại các thành phố thông minh, tổng cộng 2.956 tấn chất thải rắn mỗi ngày và 35.057 tấn chất thải nhựa mỗi năm đã được giải quyết mà không qua xử lý trong giai đoạn 2015-2020. Cuộc kiểm toán cũng cho thấy các cơ quan khu vực thành phố (ULB) đã không cung cấp 100% cơ sở vật chất cơ bản cho các hộ gia đình như cấp phát thùng rác thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom chất thải rắn, quét dọn đường phố, đường đi của các phường thuộc ULB hàng ngày và xây dựng ý thức cộng đồng. Mặt khác, báo cáo cho biết, do không đạt được các tiêu chuẩn cấp độ dịch vụ, các ULB cũng không nhận được khoản hỗ trợ theo định mức của Ủy ban tài chính lần thứ 14.
Cuộc kiểm toán cho thấy, trong số 21 ULB đã kiểm tra thử nghiệm, chỉ 7 ULB thu phí người dùng đối với SWM trong giai đoạn 2017-2021, các khoản thu được cũng không đáng kể khiến các ULB bị âm ngân sách. CAG cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do sự lỏng lẻo trong việc thực thi các quy định về phí và lệ phí người dùng. CAG cho biết thêm, Cục Đường sắt Ấn Độ thậm chí không thu được phí sử dụng mặc dù chất thải phát sinh trong khuôn viên đường sắt đã được bàn giao cho các thành phố./.