Những xu hướng tài chính đã khép lại trong năm 2022
Tài chính - Ngày đăng : 11:20, 06/01/2023
Kết thúc kỷ nguyên tiền rẻ
Có thể chỉ vài năm nữa thôi, các chuyên gia tài chính hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi mọi người từng thực sự nghĩ lãi suất sẽ mãi mãi ở mức gần 0 ở những thập kỷ 2010. Thậm chí năm 2021, các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới vẫn còn xuất bản báo cáo với tiêu đề như "The Zero: Why interest rates will stay low" (Số 0: Tại sao lãi suất sẽ ở mức thấp).
Suy nghĩ đó cũng là điều dễ giải thích khi chi phí đi vay đã đi xuống trong cả một thời gian dài hàng thập kỷ, sự kết hợp của khủng hoảng tài chính 2007-2009 và đại dịch COVID-19 khiến các nhà đầu tư dường như đã quen với việc lãi suất sẽ gắn chặt với số 0.
Nhưng năm 2022, lạm phát cao kéo dài đã làm tan biến môi trường này. Mở màn với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980, nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất chuẩn thêm hơn 4 điểm phần trăm, lên 4,25-4,5%. Các ngân hàng trung ương khác đều bước theo sát sau Fed.
Nhiều thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ ngừng tăng vào năm 2023, với mức cao nhất là 4,5-5% ở Anh và Mỹ, và 3-3,5% ở khu vực đồng euro. Nhưng khả năng chúng quay về con số gần 0 là rất nhỏ. Chẳng hạn, các thống đốc của Fed cho rằng lãi suất sẽ kết thúc năm 2023 trên 5%, trước khi giảm xuống khoảng 2,5% trong dài hạn.
Như vậy, kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc.
Thị trường giá lên chấm dứt và sự lên ngôi của cổ phiếu giá trị
Năm 2022 cũng là năm các nhà đầu tư chứng kiến thị trường giá lên dài hạn chính thức bị "hạ gục" bởi chính sách của các ngân hàng trung ương.
Các nhà đầu tư đã quen với thị trường giá lên kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2009 đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021. Trong quãng thời gian đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng tới 600%. Dù đôi khi gián đoạn trong quá trình đi lên của thị trường chứng khoán vẫn có, ví dụ sụt giảm đột ngột lúc Covid-19 xuất hiện, nhưng những đợt giảm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đến 2022, đà đi xuống mới thực sự kéo dài. Giữa tháng 10, S&P 500 giảm khoảng 25%, xuống mức thấp nhất trong năm. Chỉ số này đã hồi phục đến nay, nhưng vẫn giảm khoảng 20%. Trong khi đó, chỉ số cổ phiếu toàn cầu MSCI cũng giảm 20%. Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu giảm một phần do lãi suất tăng và khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn khi so sánh.
Cơ chế tương tự đã đẩy giá trái phiếu xuống để điều chỉnh lợi suất của chúng với lãi suất hiện hành. Các chỉ số do Bloomberg tổng hợp về trái phiếu toàn cầu, Mỹ, châu Âu và thị trường mới nổi đã giảm lần lượt 16%, 12%, 18% và 15%.
Như vậy, cho dù giá có giảm sâu hơn nữa hay không thì thị trường giá lên dài hạn cũng đã kết thúc.
Sự kết thúc này cũng đồng nghĩa với việc khoảng thời gian chán nản đối với các nhà đầu tư giá trị sẽ chấm dứt. Trong giai đoạn trước, các cổ phiếu tăng trưởng với kỳ vọng lợi nhuận bùng nổ trong tương lai luôn tỏ ra vượt trội hơn so vói các cổ phiếu giá trị.
Theo thống kê từ tháng 3/2009 đến cuối năm 2021, chỉ số MSCI của nhóm cổ phiếu tăng trưởng toàn cầu đã tăng vọt 6,4 lần, gấp hơn hai lần mức tăng của chỉ số cổ phiếu giá trị tương đương. Rõ ràng, trong bối cảnh lãi suất thấp và việc chấp nhận rủi ro do các chương trình nới lỏng định lượng (QE) thúc đẩy khiến cách tiếp cận thận trọng như đầu tư giá trị không hợp thời.
Nhưng giờ mọi chuyện đã khác, năm 2022, việc lãi suất tăng đã lật ngược tình thế. Với lãi suất 1%, để có 100 USD sau 10 năm, bạn phải gửi 91 USD vào tài khoản ngân hàng ngay hôm nay. Với lãi suất 5%, bạn chỉ cần bỏ ra 61 USD.
Sự kết thúc của tiền rẻ đã rút ngắn tầm nhìn của các nhà đầu tư, buộc họ phải ưu tiên lợi nhuận trước mắt hơn là lợi nhuận trong tương lai xa. Cổ phiếu tăng trưởng đã hụt hơi và cổ phiếu giá trị đã trở lại thịnh hành.
"Mùa đông tiền số"
Dù năm 2022 không phải là mùa đông đầu tiên của thị trường tiền mã hóa. Thị trường đã chứng kiến những đợt biến động lớn vào năm 2018, đầu năm 2020 và mùa hè năm 2021.
Tuy nhiên, có sự khác biệt khi năm 2022 đánh dấu sự khởi đầu của một "mùa đông tiền số" mới với sự sụp đổ của loạt công ty nổi tiếng trên diện rộng và giá của các đồng tiền điện tử lao dốc không phanh.
Thị trường tiền điện tử bắt đầu lao dốc vào tháng 5/2022 khi đồng tiền điện tử terraUSD sụp đổ, kéo theo đồng chị em của nó là đồng LUNA rớt mạnh, khiến một loạt công ty tiếp xúc với hai đồng tiền số này bị ảnh hưởng nặng nề. Three Arrows Capital, một quỹ đầu tư đã bị mất thanh khoản và phải nộp đơn xin phá sản vì đầu tư vào terraUSD.
Tiếp đó, ngày 11/11, sàn giao dịch tiền điện tử FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên toà án Mỹ - đánh dấu một trong những vụ sụp đổ lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tiền ảo. Theo ước tính khoảng 8 tỷ USD tiền của khách hàng bị mất. Các nhà chức trách Mỹ hiện gọi đó là một vụ lừa đảo lớn kéo dài nhiều năm.
Tương tự Luna, thảm họa FTX gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với thị trường tiền số. Ngày 28/11, BlockFi, một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới, tuyên bố phá sản do liên quan đến vụ sập sàn FTX.
Những ngày cuối năm, sóng gió với thị trường tiền số chưa dừng lại. Ngày 13/12, hàng tỷ USD bất ngờ bị rút khỏi Binance - sàn tiền số lớn nhất thế giới. Kể từ khi FTX sụp đổ, đây là lần rút có quy mô lớn thứ hai trên thị trường tiền mã hóa và nhiều nhất lịch sử Binance.
Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2021, giá trị thị trường của tất cả các loại tiền điện tử là gần 3.000 tỷ USD, nhưng giá trị thị trường của chúng hiện chỉ còn khoảng 800 tỷ USD. Trước hàng loạt các biến cố trong năm 2022, nỗi sợ của cộng đồng trước sự mong manh của thị trường tiền số càng sâu sắc.