Trao đổi về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và vai trò của đoàn viên, thanh niên Kiểm toán nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:15, 06/01/2023

(BKTO) - Sáng 06/01, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Đoàn Thanh niên KTNN phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và vai trò của đoàn viên, thanh niên KTNN”.
photosmile.vn_-4-.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: D.THIỆN

Tham dự Tọa đàm về phía khách mời có các đồng chí: Đặng Tùng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; Chung Hải Bằng - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía KTNN có các đồng chí: Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Tin học; Lê Mạnh Cường - Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN; cùng các đoàn viên, thanh niên các Chi đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên KTNN.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Mạnh Cường cho biết, tại Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…, nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc; qua đó đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội…

ct.jpg
Đồng chí Lê Mạnh Cường - Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN phát biểu. Ảnh: D.THIỆN

Đồng chí Lê Mạnh Cường cũng cho biết, đối với KTNN, tại Chiến lược phát triển và khung kiến trúc công nghệ thông tin giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt, giúp KTNN thích ứng với sự thay đổi cũng như quá trình chuyển đổi số trong tương lai. Đồng thời, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số; cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán…

Tại Tọa đàm, chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số quốc gia, ông Đặng Tùng Anh cho biết, Việt Nam đang dần bắt kịp các quốc gia phát triển về tầm nhìn chuyển đổi số, thông qua việc Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

bo-tt.jpg
Đồng chí Đặng Tùng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu. Ảnh: D.THIỆN

Bên cạnh đó, Chính phủ số sẽ chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp; cũng như thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng và đồng thuận xã hội.

Đồng thời, Chính phủ số sẽ chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Đối với vấn đề phát triển kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP (khoảng 7%).

Trình bày tham luận về vấn đề chuyển đổi số tại KTNN, đồng chí Mạc Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng Phát triển ứng dụng, Trung tâm Tin học, KTNN cho biết, ngày 16/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, theo đó xác định ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao là một trong 3 trụ cột phát triển KTNN. Cùng với đó, KTNN đã ban hành Chiến lược phát triển và khung kiến trúc công nghệ thông tin giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại các Chiến lược trên đã đặt ra lộ trình chuyển đổi số của KTNN theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2019-2020) là khởi tạo hạ tầng số; giai đoạn 2 (2021-2025) thực hiện đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và thiết lập hệ sinh thái; giai đoạn 3 (2026-2030) là hoàn thiện hạ tầng số.

ttth.jpg
Đồng chí Mạc Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng Phát triển ứng dụng, Trung tâm Tin học, KTNN trình bày
tham luận. Ảnh: D.THIỆN

Về thực trạng chuyển đổi số tại KTNN, đồng chí Mạc Tuấn Anh cho biết, đối với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hiện nay, KTNN đã xây dựng được 02 trung tâm dữ liệu gồm trung tâm dữ liệu chính (đặt tại trụ sở KTNN 116 Nguyễn Chánh) và trung tâm dữ liệu dự phòng (đặt tại trụ sở KTNN 111 Trần Duy Hưng) với khoảng hơn 500 thiết bị vật lý (thiết bị sau khi ảo hóa là khoảng hơn 1.000 thiết bị, tăng hơn 30 lần số lượng thiết bị năm 2016).

Đối với việc phát triển các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, tính đến hết năm 2022, KTNN đã triển khai hơn 30 ứng dụng và cơ sở dữ liệu bao gồm các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; ứng dụng quản lý hoạt động chuyên ngành; các hệ thống kênh giao tiếp của KTNN và các hệ thống phục vụ tích hợp, trao đổi thông tin…

Liên quan đến việc xây dựng cơ chế, chính sách, KTNN đã ban hành 13 quy chế quy định về quản lý, khai thác sử dụng hệ thống mạng, các phần mềm ứng dụng; ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của KTNN.

Bên cạnh đó, hàng năm, KTNN cũng thường xuyên tiến hành công tác khảo sát, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thực hiện công tác đào tạo, hướng dẫn sử dụng các phần mềm, hệ thống mạng, thiết bị công nghệ thông tin cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành…

Chia sẻ về vai trò của đoàn viên, thanh niên KTNN trong việc triển khai chuyển đổi số, đồng chí Mạc Tuấn Anh cho rằng, để trở thành lực lượng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, đoàn viên, thanh niên cần không ngừng học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị về các giải pháp giúp thúc đẩy công tác chuyển đổi số; phối hợp với bộ phận chuyên môn thực hiện áp dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, các đoàn viên, thanh niên cần chủ động tham gia các tổ công nghệ thông tin tại đơn vị để luôn nắm bắt được nhanh nhất tình hình chuyển đổi số của Ngành. Ngoài ra, các Chi đoàn cần tăng cường hợp tác, liên kết với các đơn vị trong Ngành về vấn đề chuyển đổi số, qua đó sẽ giúp cho đơn vị có nhiều giải pháp chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả, nhanh chóng hơn…

Tại Tọa đàm, đại diện một số Chi đoàn trực thuộc cũng đã trình bày các tham luận chia sẻ thêm về các nội dung như thách thức và cơ hội cho kiểm toán viên nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số; số hóa bằng chứng kiểm toán của kiểm toán viên nhà nước tại cuộc kiểm toán ngân sách địa phương…

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, cũng như trong hoạt động phong trào, công tác đoàn, trước hết, Đoàn Thanh niên KTNN cần tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các đoàn viên, thanh niên đối với vấn đề chuyển đổi số.

doan.jpg
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phát biểu. Ảnh: D.THIỆN

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên KTNN cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng, triển khai các hoạt động Đoàn để tăng tính hấp dẫn, qua đó thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ đoàn các cấp về chuyển đổi số; triển khai các đợt sinh hoạt chuyên đề về chuyển đổi số cho các đoàn viên, thanh niên…/.

DIỆU THIỆN