Gắn bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển du lịch

Xã hội - Ngày đăng : 11:35, 07/05/2018

(BKTO) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đi vào trong tâm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Sức hút vốn có của loại hình tín ngưỡng này, cùng với những thắng cảnh và văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ, định hướng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn di sản được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan.


Sức hút từ những di sản

Sáu năm sau ngày được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ tiếp tục khẳng định những giá trị không thể thay thế trong tâm thức của người Việt. Đây luôn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc cho mỗi người dân trên dải đất hình chữ S. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được đúc kết trong câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Với sức hút đó, hằng năm, hàng triệu lượt đồng bào, du khách đã hành hương về đất Tổ để tỏ lòng thành kính, biết ơn các bậc tiền nhân.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thông qua hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Do đó, “khai thác giá trị của Lễ hội Đền Hùng nhằm phát triển kinh tế du lịch cho địa phương là một hướng đi cần được quan tâm, đầu tư hợp lý để đảm bảo hiệu quả” - ông Bài nói.

Trên phông nền văn hoá gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước, Phú Thọ còn được biết đến với nhiều di tích và danh thắng đẹp: Đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, Ao Giời - Suối Tiên, đầm Ao Châu và rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo như hát Xoan, hát Ghẹo, cùng các lễ hội dân gian nổi tiếng.

         
Năm 2017, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ đón và phục vụ khoảng 500 nghìn lượt khách lưu trú; doanh thu du lịch ước đạt 2.350 tỷ đồng.
Tất cả đã tạo cho Phú Thọ tiềm năng to lớn về du lịch… Đặc biệt, sau 7 năm được bảo tồn khẩn cấp, di sản hát Xoan mới đây đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Điều này đồng nghĩa với việc hát Xoan đã “sống” lại và trở thành một phần của đời sống văn hóa nơi đây. Đáng mừng hơn, hát Xoan đang vượt qua giới hạn không gian của tỉnh Phú Thọ để có mặt ở nhiều vùng miền cả nước.

Minh chứng rõ nhất, tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ với sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” vừa được vận hành đã đón hàng trăm đoàn khách và nhận được nhiều tín hiệu phản hồi tích cực. Bà Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ - cho biết, đây không phải là lần đầu tiên hát Xoan được đưa vào phục vụ hoạt động du lịch nhưng là lần đầu được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản. “Chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa là cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mở rộng tour du lịch này ra khu vực và toàn quốc” - bà Lê nói.


Đưa đất Tổ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Cùng với việc bảo vệ, gìn giữ các yếu tố truyền thống, Chương trình Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đang được tỉnh Phú Thọ quan tâm xây dựng theo hướng gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Minh chứng là trước ngày diễn ra Lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đã được tổ chức, thu hút đông đảo du khách, người dân tới đây.

Với khoảng 7 triệu lượt khách tham quan đất Tổ dịp Lễ hội mỗi năm, đây chính là cơ sở để Phú Thọ triển khai thành công “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ - Lễ hội Đền Hùng đã đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho tỉnh Phú Thọ thông qua nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, việc thu hút du khách vẫn gặp nhiều khó khăn bởi cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa có sự kết nối giữa các điểm đến; sản phẩm du lịch đơn điệu; lượng khách đến chủ yếu tập trung vào dịp Lễ hội… Do đó, mục tiêu cấp thiết của du lịch Phú Thọ là “hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững” theo Quy hoạch.

Ủng hộ chủ trương phát triển du lịch tại quần thể di tích, GS. Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam - bày tỏ lo ngại, việc phát triển du lịch sẽ ảnh hưởng đến không gian văn hóa nơi đây, nếu Phú Thọ không có biện pháp bảo tồn phù hợp và thái độ ứng xử đúng mực. “Một chiến lược dài hơi, thận trọng là yêu cầu đặt ra hàng đầu khi phát triển du lịch tại đây” - ông Bền nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, đưa hoạt động lễ hội vốn nặng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh trở thành điểm đến du lịch không phải là dễ. Do đó, “bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư du lịch, kết nối các tour du lịch, việc khai thác giá trị từ các làng nghề truyền thống, các sản phẩm nghề đặc trưng nhằm kích thích tiêu thụ, tăng mức chi trả của du khách là những giải pháp cần được tập trung thực hiện” - ông Bình gợi mở.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018