Phát triển Du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch xanh, bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 18:28, 09/01/2023
Đây là nội dung trong Thông báo số 05/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Thông báo nêu: Cụ thể hóa các quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở khai thác các thế mạnh về văn hóa, di sản, ẩm thực... những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, Du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch đề ra.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Quan điểm, nhận thức chung về phát triển du lịch là phát triển du lịch cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tinh thần "cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có".
Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; sự quản lý thống nhất của chính quyền; phát huy mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn nữa vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Phát triển Du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đặt trong tổng thể phát triển chung của các ngành kinh tế có liên quan; phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững.
Phát triển du lịch phải gắn với kinh tế, văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt; luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số và quá trình xuất hiện những vấn đề mới gắn với giải quyết các khó khăn, thách thức mới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp và triển khai áp dụng thị thực điện tử tại các cửa khẩu quốc tế; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh.
Để phục hồi và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý; nghiên cứu, sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tình hình mới, và trình ban hành trong tháng 01/2023./.