77,82% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Đối nội - Ngày đăng : 21:52, 09/01/2023

(BKTO) - Chiều 09/01, với 386/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
570b24b076f7ada9f4e6.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều; tăng 03 chương (Chương VI, VII, XI) và 30 điều so với Luật hiện hành, trong đó, quy định 01 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh (Chương X).

Luật sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về các quy định liên quan đến người bệnh; quy định liên quan đến người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB); về hệ thống tổ chức cơ sở KCB; tài chính tại các cơ sở KCB…

Đồng thời, Luật bổ sung các quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở KCB; quy định về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác KCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp…

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật KCB (sửa đổi) trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước (Điều 108), qua thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tự chủ của các cơ sở KCB, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng; đề nghị làm rõ nguyên tắc tự chủ, “tự chủ theo quy định của pháp luật”; đề nghị bổ sung quy định điều kiện để một đơn vị KCB được thực hiện tự chủ; bổ sung quy định về nhóm bảo đảm chi một phần chi thường xuyên và tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, ý kiến của đại biểu là xác đáng. Qua rà soát cho thấy, các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở KCB của Nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau từ luật đến nghị định của Chính phủ và đang có những vướng mắc nhất định, cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới.

Để có thể giải quyết một cách triệt để thì về lâu dài cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn.

Trong phạm vi Luật này, Dự thảo Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù của ngành y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc, khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện sẽ kết nối thực hiện được. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật.

Về giá dịch vụ KCB (Điều 110), có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá KCB ở các cơ sở y tế công lập, cả KCB bảo hiểm y tế (BHYT) và KCB theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ KCB thuộc danh mục do Quỹ BHYT thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán. Giá dịch vụ KCB ngoài danh mục dịch vụ do Quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ KCB theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều này; giao cơ sở KCB phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ KCB theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.

Liên quan đến ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các điều khoản về tài chính chưa tách khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu - chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, UBTVQH nêu rõ, trên thực tế, nhiều trường hợp không thể bóc tách được khoản chi từ nguồn thu do nhiều hoạt động KCB sử dụng chung nguồn lực như điện, nước, xử lý chất thải... Do vậy, việc quản lý tài chính từ nguồn thu và việc chi sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tài chính, kế toán.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về giá dịch vụ KCB, trong đó có dịch vụ KCB theo yêu cầu như thể hiện tại Điều 110 của Dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu đề nghị trong trường hợp Bộ Y tế chưa định giá dịch vụ KCB thì cơ sở KCB được quyền định giá, bà Thúy Anh cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ KCB (Thông tư 19/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022) và trong giai đoạn hoàn thiện và ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong KCB (thay thế cho danh mục 18.598 kỹ thuật đã ban hành tại Thông tư 43/2013/TT-BYT và Thông tư 21/2017/TT-BYT) cũng như bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở KCB mà chưa đưa vào danh mục giá. Dự kiến đầu năm 2023, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục này.

Ngoài ra, về nguyên tắc, các dịch vụ kỹ thuật cơ sở KCB được phép thực hiện là phải kèm theo giá dịch vụ. “Vì vậy, xin phép Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật. Cùng với đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện, ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong KCB kèm theo giá và bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở KCB mà chưa đưa vào danh mục giá để tạo điều kiện hoạt động thông suốt của cơ sở KCB”- bà Thúy Anh nêu rõ./.

 Cũng trong chiều 09/01, với 96,77% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Đ. KHOA