Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975: Dấu ấn từ công tác tham mưu - tác chiến
Xã hội - Ngày đăng : 11:45, 07/05/2018
(BKTO) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành trang sử vẻ vang của dân tộc. Thắng lợi này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có công tác tham mưu - tác chiến. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đã xúc động kể cho chúng tôi về những dấu ấn của đơn vị tác chiến trong ngày tháng hào hùng ấy.
Người lính tác chiến và những đóng góp thầm lặng
Hơn 40 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng về lịch sử, về những thời khắc chiến đấu, chiến thắng, thậm chí là sự hy sinh vẫn in đậm trong tâm trí người lính đã ngót 70 năm tuổi đảng. Qua giọng kể hào sảng, đầy khí chất của vị tướng đầu bạc, không khí hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được tái hiện.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến |
Ngược dòng ký ức, ông kể: Ngày 01/4/1975, căn cứ vào sự phát triển tiến công dồn dập như vũ bão của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất “tốt nhất là trong tháng tư, không để chậm”.
Sau đó, Phó Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh chính là người chủ trì nghiên cứu đề xuất phương án tác chiến giải phóng Sài Gòn trong “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử.
Ngày 12/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Tổ thường trực, giúp Quân ủy T.Ư chỉ đạo tác chiến, nghiên cứu cách đánh, sẵn sàng khi lệnh tấn công được ban bố. Kế hoạch giải phóng Sài Gòn sau khi được Cục Tác chiến góp ý lần cuối, đã được trình lên Quân ủy T.Ư và Bộ Chính trị. Dù thời gian chuẩn bị tương đối ngắn, nhưng kế hoạch đã sớm được Bộ Chính trị phê chuẩn và chỉ đạo triển khai.
Ngày 26/4, ta bắt đầu tiến công mở màn chiến dịch. Riêng hướng Đông và Đông Nam, ta nổ súng tiến công trước một ngày. Cục Tác chiến đã cử một số cán bộ đi cùng đồng chí Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân bay vào Đà Nẵng, rồi đến sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) để chỉ huy biên đội không quân ta dùng máy bay Mỹ mà ta đã thu được, ném bom Sài Gòn. Ngày 28/4, phi đội Quyết Thắng với 5 chiếc A-37 do phi công Nguyễn Thành Trung chỉ huy đã ném bom trúng đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần đưa đến sự tan rã của địch.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên dinh Độc Lập, Sài Gòn được giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi triệt để, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Quần đảo tiền tiêu nơi đầu sóng
Trong không khí hân hoan của cả nước đang hướng về những ngày tháng tư lịch sử, tâm tưởng của vị tướng già cũng gợi nhắc với chúng tôi về một chiến dịch đặc biệt: Giải phóng quần đảo Trường Sa!
Theo tướng Ninh, sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị ở cả 2 miền Nam - Bắc, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta được phát động và diễn ra bằng 4 đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 04/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Với sự hỗ trợ tích cực của đơn vị tác chiến, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo bất ngờ tấn công giải phóng Trường Sa.
Ngày 11/4, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Đúng 4 giờ sáng ngày 14/4, ta bắt đầu nổ súng. Sau gần 20 phút chiến đấu, trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch buộc phải đầu hàng. Đảo Song Tử Tây được giải phóng, quân địch trên quần đảo Trường Sa hoang mang, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi.
Là một trong những cán bộ tác chiến đầu tiên được giao nhiệm vụ tiếp nhận quần đảo Trường Sa từ chính quyền Sài Gòn năm 1975, tướng Ninh vẫn nhớ như in những ngày đầu khó khăn, gian khổ ở vùng biển máu thịt, trong đó có nhà giàn DK1. “Từ năm 1975 đến 1990, tôi phụ trách đảo Trường Sa. Lúc đó, có thời gian 5 ngày liền chúng tôi không có nước uống, nhưng xác định phải trải qua gian khổ khó khăn mới có thể xây dựng nền tảng cho nhà giàn sau này nên anh em đều cố gắng vượt qua” - vị tướng kể.
Bởi vậy, Trường Sa với ông đã trở thành quê hương thứ hai, con người nơi đây là đồng đội, là người thân trong gia đình ông. “Tôi vẫn mong lắm một lần được trở lại Trường Sa...” - giọng ông chùng xuống rồi bất giác trở về với hiện tại. Trong ánh nhìn xa xa của vị tướng già, ông như đang cố gắng để cảm nhận lại vị mặn mòi của biển cả, sự bao la của hòn đảo phên giậu Trường Sa với nỗi khát khao quay ngược thời gian trở về những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc, những năm tháng ghi dấu chiến công của người lính tác chiến một thời…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1930, quê xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) từng tham gia nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước: Chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và là quân tình nguyện giải phóng Campuchia. Ông còn tham gia đặt những viên đá đầu tiên lấp biển làm nhà giàn DK1 sau này. Vậy nên, nhiều người yêu mến gọi ông là Tướng Trường Sa. Ông đã được trao tặng nhiều huân, huy chương đáng nhớ: Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công… |
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018