Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, phục vụ đất nước phát triển bền vững

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:45, 11/01/2023

(BKTO) - Trong năm 2022, ngành ngoại giao đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội và huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 tổ chức ngày 10/01.

20230110_085359.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: D.THIỆN

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2022, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nổi bật là công tác đối ngoại đã góp phần tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, trong đó có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao, đã phản ánh một bức tranh sôi động trên mặt trận đối ngoại, giúp tăng cường tin cậy chính trị, tạo xung lực mới cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với công tác quốc phòng, an ninh, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề biên giới lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; đạt những kết quả rất quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề trên biển, trên bộ phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh thông qua việc nhiều thỏa thuận, dự án hợp tác đã được ký kết, gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD…, qua đó đóng góp thiết thực vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Ngoài ra, trên bình diện đa phương, công tác đối ngoại đã phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…

Tại Hội nghị, các tham luận đánh giá, trong năm qua, ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại trọng yếu, đồng thời nỗ lực củng cố, xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, trong sạch, vững mạnh...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ý kiến cũng nhận định ngành ngoại giao vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát hiện, nắm bắt thời cơ, vận hội chưa thực sự nhạy bén; công tác nghiên cứu, dự báo đối ngoại có nơi, có lúc còn chưa kịp thời… Theo đó, ngành ngoại giao cần tổng kết, đúc rút các bài học, kinh nghiệm từ thực tiễn công tác trong năm vừa qua để phục vụ tốt hơn nữa cho sự nghiệp đối ngoại trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất nhiều biện pháp để tăng cường phối hợp, hiệp đồng, “đi cùng nhau” để triển khai hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành ngoại giao đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với tâm thế và khí thế mới; đòi hỏi trong thời gian tới, Ngành cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, với quyết tâm cao xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh, hiện đại, chuyên nghiệp, qua đó đóng góp tích cực vào việc phục vụ phát triển đất nước bền vững, toàn diện trong giai đoạn mới./.

DIỆU THIỆN