Phát triển năng lượng tái tạo - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 12:00, 01/12/2016

(BKTO) - Tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn,nhưng thực tế hiện nay vẫn có rất ít dự án phát triển năng lượng tái tạo đượctriển khai, đi vào hoạt động, mặc dù có không ít nhà đầu tư trong và ngoài nướcquan tâm đến lĩnh vực này. Vấn đề mấu chốt cần được giải quyết chính là “giá cơsở” cho mỗi kWh điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo còn thấp.


Chưa phát huy được tiềm năng

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, kể cả thủy điện lớn, dự kiến tăng từ 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và 452 tỷ kWh vào năm 2050, đưa tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng từ 35% năm 2015 lên 38% năm 2020, khoảng 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050.

Đánh giá về dư địa phát triển nguồn năng lượng tái tạo, báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 200 MW năng lượng điện địa nhiệt; 43,9 tỷ TOE (tấn dầu tương đương)/năm năng lượng điện mặt trời; nhiều địa phương có thể phát triển điện gió nhờ mật độ năng lượng gió đạt từ 500 - 1.400 kWh/m2/năm. Ngoài ra, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển các dự án điện từ nguồn năng lượng sinh khối (chất hữu cơ phân hủy), hiện đạt khoảng 58 triệu TOE và có thể tăng lên tới 88 triệu TOE vào năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển được 800MW điện gió.Ảnh: TK

Tuy nhiên, kết quả khảo sát do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện cho thấy, tại Việt Nam hiện mới chỉ khai thác được 5,6 MW điện mặt trời trên tổng tiềm năng có thể khai thác là 130.000 MW; 375 MW điện sinh khối trên tổng tiềm năng 8.500 MW; 162 MW điện gió trên tổng tiềm năng 27.000 MW; 2,4 MW điện rác thải trên tổng tiềm năng 400 MW. Những con số thực hiện được cũng quá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 Việt Nam phát triển được 850 MW điện mặt trời, 850 MW điện sinh khối, 800 MW điện gió…

Muốn phát triển năng lượng tái tạo, theo kiến nghị của ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trước hết cần có những cơ chế, chính sách hình thành thị trường năng lượng tái tạo, chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư. Theo đó, phải khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường, áp dụng biểu giá điện hỗ trợ (FIT), ưu tiên được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, đảm bảo bán được toàn bộ điện năng sản xuất ra. Đồng thời, cần hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý, được hưởng các ưu đãi về đất đai, hỗ trợ về tín dụng, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN. Để góp phần vào việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện cần thực hiện yêu cầu: đến năm 2020 tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo không thấp hơn 3%; năm 2030 không thấp hơn 10% và năm 2050 không thấp hơn 20%. Các đơn vị phân phối điện cũng phải đảm bảo tỷ lệ điện năng cung cấp cho khách hàng tiêu dùng cuối cùng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo tương ứng như trên.

Xây dựng thị trường điện thực sự cạnh tranh

Ông Phạm Đức Trung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nói: Việt Nam còn thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh do chưa đảm bảo được tính độc lập của các DN trong các khâu sản xuất - truyền tải - phân phối dù đã có mục tiêu và kế hoạch thực hiện, tính độc lập của các cơ quan điều tiết, giám sát cạnh tranh còn thấp. Tuy thị trường phát điện cạnh tranh đã hoạt động nhưng vẫn chưa thực sự cạnh tranh, còn thị trường bán buôn và bán lẻ mới đang trong lộ trình thực hiện.

Theo lý giải của ông Trung, do thiếu nền tảng thị trường cạnh tranh nên Việt Nam khó thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới, ngoài thủy điện, trong đó mức giá cho điện tái tạo do Nhà nước quy định hiện vẫn chưa phản ánh chính xác các kỳ vọng của nhà đầu tư. Mặc dù được ưu tiên điều độ và không phải tham gia thị trường điện nhưng các nhà đầu tư năng lượng tái tạo chỉ có thể bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo mức giá do Nhà nước quy định, chưa được phép bán trực tiếp cho các đơn vị khác thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận. Trong khi đó, theo những nghiên cứu của CIEM thì cơ chế giá được coi là động lực chính để “hút” nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại CHLB Đức. Vì thế, Đức đưa ra 2 mức giá để nhà đầu tư lựa chọn: Hoặc là hưởng mức giá ưu đãi cố định FIT; hoặc được hưởng lợi nhuận tăng thêm từ giá phụ trội do bên truyền tải điện chi trả khi giá thị trường cao hơn giá FIT, nhưng cũng phải tự chịu rủi ro khi giá thị trường thấp hơn giá FIT.

Tại Việt Nam, cơ chế giá FIT hiện hành (chưa bao gồm VAT) áp dụng cho điện gió nối lưới khoảng 7,8 cent/kWh; cơ chế giá FIT cho điện rác thải là 10,05 cent/kWh áp dụng cho các nhà máy điện đốt trực tiếp chất thải rắn và 7,28 cent/kWh đối với các nhà máy điện đốt khí thu gom từ bãi chôn lấp chất thải rắn... Đồng quan điểm với ông Phạm Đức Trung rằng phải có giá thị trường hấp dẫn để làm tín hiệu cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, bà Vũ Mai Chi - Cán bộ Dự án cao cấp của GIZ, cho biết: “Theo lộ trình tăng giá điện của EVN đến năm 2020 giá điện hệ thống sẽ là 9,4 cent/kWh. Chúng tôi tính toán rằng nếu đầu tư năng lượng gió thì giá ban đầu chỉ khoảng 10,4 cent/kWh, nhưng khi đạt tới công suất 1.000 MW thì giá năng lượng gió còn rẻ hơn giá điện hệ thống. Chính vì vậy, vừa qua, GIZ đã phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam rà soát, xác định lại giá FIT theo xu hướng tăng để hấp dẫn nhà đầu tư. Hy vọng là mức giá mới sẽ sớm được ban hành!”.

PHÚC KHANG