Kiểm toán nhà nước cần khẳng định được vai trò giám sát nền kinh tế
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 12:56, 12/01/2023
Thưa ông, năm 2022 vừa khép lại với tăng trưởng GDP đạt 8,02% - mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua. Ông có bình luận gì về kết quả này?
Trước hết, phải khẳng định rằng, đây là một thành công ngoài mong đợi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng đột biến, lạm phát ở các nước là thị trường xuất khẩu trọng tâm của chúng ta tăng đỉnh điểm trong vòng 40 năm trở lại đây. Sự thành công này đến từ 3 yếu tố: Thứ nhất, Chính phủ đã tận dụng được tất cả các cơ hội để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, giúp tốc độ tăng trưởng GDP vượt mong muốn.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam bao giờ cũng có độ trễ nhất định so với thế giới. Cho nên, khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, chúng ta vẫn có đà tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đạt được tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt hai quý cuối năm 2022 rất cao. Điều quan trọng, Chính phủ, Quốc hội lường trước được những tác động của việc điều hành, cho nên, năm 2022, chúng ta ít có những điều hành giật cục.
Thứ ba, các doanh nghiệp, doanh nhân, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước sau 2 năm bị đình trệ vì Covid-19 đều mong muốn khôi phục lại nền kinh tế. Thêm vào đó, gói khôi phục và phát triển kinh tế ra đời đúng lúc đã tạo ra sự cộng hưởng.
Theo ông, đằng sau con số tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam năm 2022, đâu là vấn đề mà chúng ta cần lưu ý trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo?
Năm 2022, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài 3 yếu tố đã nêu, còn phải kể đến chính sách tiền tệ của chúng ta rất đúng hướng. Tuy vậy, chính sách tiền tệ mới chỉ tập trung vào lãi suất mà quên mất một phần rất quan trọng của chính sách tiền tệ là chính sách tiền tệ đối ngoại. Năm 2022, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra tuyên bố Việt Nam không phải quốc gia thao túng tiền tệ đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy chính sách tiền tệ đối ngoại đóng vai trò quan trọng.
Tuy sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa được cải thiện hơn nhưng những vấn đề từ thị trường chứng khoán, thị trường phái sinh, tài chính phái sinh và cả trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã gây ra những xáo động trong thị trường trái phiếu. Đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, làm mất một kênh rất quan trọng để huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển, tăng trưởng, đảm bảo cho những năm sau tăng trưởng nhanh.
Năm 2022, hầu hết các quyết định về kinh tế trên thế giới đều xuất phát từ chính trị, mà đã là chính trị thì không dự báo được. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, rộng hơn là xung đột của Nga và các nước phương Tây khi nào kết thúc, chúng ta không dự báo được. Khi không dự báo được, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu, lương thực thực phẩm trên thế giới biến động rất lớn sẽ tác động đến Việt Nam. Năm 2023 là năm cạnh tranh địa chính trị khu vực, năm cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất chip tiêu dùng. Trong “cuộc chiến” này, những nước như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng…
Để ứng phó với thách thức trong cả trước mắt và lâu dài, ngoài việc phát triển thị trường nội địa, tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, tập trung đầu tư công để thúc đẩy sản xuất, chúng ta cần thay đổi nhận thức, tư duy về lựa chọn đối tác chiến lược. Chúng ta chọn đối tác bình đẳng, đối tác có lợi thế cạnh tranh tạm thời để phát triển kinh tế đất nước.
Một vấn đề nữa mà chúng ta cần lưu ý là vai trò của KTNN - công cụ của Quốc hội để thực hiện giám sát nền kinh tế. Kiểm toán cần đi trước một bước, phải góp phần định hướng được dư luận và cảnh báo được những sai phạm, nhắc nhở các đối tượng được kiểm toán phải thực hiện đúng pháp luật và cần chỉ ra được việc ban hành chính sách có đúng hay không.
Như vậy, thành công của một nền kinh tế không thể thiếu vai trò của cơ quan kiểm toán. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của KTNN trong năm vừa qua?
Năm qua, KTNN đã làm tốt nhiệm vụ kiểm toán thường xuyên theo Kế hoạch kiểm toán. Điều này được thể hiện trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 trình ra Quốc hội. Tôi cũng đánh giá cao việc kiểm toán thường xuyên đối với các công trình, dự án đầu tư. Đây chính là cơ sở khoa học giúp những người phải ra quyết định yên tâm quyết định đầu tư, tiếp tục tạo động lực phát triển cho đất nước.
Một trong những việc mà KTNN đã làm được là chỉ ra những thành công của điều hành kinh tế trong năm 2020 và 2021, giúp các cơ quan điều hành vững tâm hơn đối với những chính sách mà mình đã đưa ra, đơn cử như: Tiếp tục đầu tư các dự án lớn, đầu tư cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đây là một đóng góp rất lớn của KTNN.
Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN sẽ kiểm toán một số chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ông có gợi mở gì về các cuộc kiểm toán này để KTNN có thể đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của Quốc hội và Nhân dân?
Năm 2023, KTNN kiểm toán rất nhiều chương trình và một trong những trọng tâm là kiểm toán gói hỗ trợ và khôi phục kinh tế. Vấn đề đặt ra, chúng ta phải kiểm toán rất nhanh, đặc biệt là kiểm toán đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước để kết luận là có thể dừng gói này và chuyển tiền này sang hỗ trợ các chương trình khác hay không. Thời điểm năm 2021, đầu năm 2022, việc hỗ trợ vay vốn là chính xác. Nhưng bây giờ, khi sản xuất phục hồi, chúng ta phải dành nguồn lực này cho lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, giúp khôi phục lại thị trường bất động sản ở một phân khúc mà trước nay, các nhà đầu tư tư nhân đã bỏ qua vì chạy theo lợi nhuận. Bây giờ, KTNN phải kiểm toán để có khuyến nghị với Quốc hội và Chính phủ chuyển phần vốn dành cho vay hỗ trợ đấy. Tuy vậy, trước Kỳ họp tháng 5/2023, KTNN phải hoàn thành kiểm toán và có báo cáo với Quốc hội thì nó mới hiệu quả vì gói này chỉ có 2 năm (2022-2023).
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.