Thanh Hóa nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số

Địa phương - Ngày đăng : 14:08, 12/01/2023

(BKTO) - Năm 2022, lần đầu tiên sau hơn 10 năm công bố, tỉnh Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và xếp thứ 14 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

 

3(2).png
Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Viettel

UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số PAR INDER, chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số PAPI trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

 Năm 2022, Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) như: Kế hoạch CCHC, kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI; thành lập Ban Chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa...

Bên cạnh đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, thúc đẩy thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong CCHC của các đơn vị.

Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình, đề án và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra, các cấp, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số với định hướng, bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên xây dựng chính quyền số để thúc đẩy, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Năm 2022, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 1.030.567/1.039.181 văn bản, đạt 99,17%; tỷ lệ văn bản được ký số cá nhân đạt 99%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 100%.

 Toàn tỉnh đã thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm và hơn 14.478 thành viên tham gia để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch về y tế và giáo dục được đẩy mạnh. Tỉnh Thanh Hóa đã chạy thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh từ tháng 7/2022, triển khai thí điểm Trợ lý ảo tại Sở Thông tin và Truyền thông và Tòa án Nhân dân; triển khai đô thị thông minh tại TP. Sầm Sơn và đang xây dựng, triển khai đô thị thông minh tại TP. Thanh Hóa.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã lần đầu tiên tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, từ đó tạo ra sự cạnh tranh và tạo động lực để các sở, ngành, địa phương cải cách một cách đồng bộ, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa trong những năm tới./.

THÙY LÊ