Tự tin vượt thách thức năm 2023
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:14, 12/01/2023
Ngoài ra, sự mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc từ ngày 08/01/2023 vừa tạo nhiều động lực và kỳ vọng tích cực về khôi phục các chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế, vừa đặt ra không ít quan ngại về sự gia tăng các động thái phức tạp của đại dịch Covid-19 với các biến chủng mới nguy hại kèm theo sự gia tăng dịch chuyển lao động và du khách đi lại giữa Trung Quốc với các nước khác trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam…
Khó khăn trong phát triển kinh tế năm 2023 của Việt Nam không chỉ nằm trong khó khăn chung của thế giới, mà còn gắn liền với những bất cập, tồn tại và hạn chế kéo dài của nền kinh tế, như: Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu và năng suất lao động thấp, cộng đồng doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, sức cạnh tranh và khả năng đổi mới sáng tạo không cao, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực và khâu sản xuất kinh doanh có giá trị gia tăng, lợi nhuận thấp và dễ bị tổn thương, trong khi bị phụ thuộc vào nguồn cung và các chi phí đầu vào bên ngoài, vốn vay tín dụng với lãi suất cao…
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chịu áp lực gia tăng các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn, kể cả thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Á (trong đó có các yêu cầu kiểm soát chất lượng theo Lệnh 248 và 249 trong xuất khẩu hàng hóa nông sản làm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã có hiệu lực từ đầu năm 2022); từ đó làm nặng nề hơn áp lực giảm sút đơn hàng, thu hẹp thị phần xuất khẩu và dòng tiền.
Hơn nữa, sự trì trệ của thị trường chứng khoán và bất động sản, tình hình cắt giảm lao động, giờ làm tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội… Tuy nhiên, năm 2023, Việt Nam vẫn giữ được sự tự tin đối diện và vượt qua các thách thức đó. Sự tự tin này được hội tụ và cộng hưởng từ đà phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022, với những thành tựu ấn tượng về giữ vững các cân đối và ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát tỷ lệ lạm phát thấp; gia tăng mạnh tổng đầu tư xã hội, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, mở rộng tổng cầu và quy mô thị trường trong nước; kinh tế số và chuyển đổi số có sự phát triển mới; thặng dư thương mại hàng hóa cao do xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều phục hồi tốt. Vốn FDI thực hiện tăng mạnh và các dự án FDI ngày càng có hàm lượng vốn, công nghệ cao.
Đặc biệt, Việt Nam có sự cải thiện về nhiều chỉ số quốc tế, như: Xếp hạng về quy mô nền kinh tế, Chỉ số Thương hiệu Quốc gia, Hệ số tín nhiệm Quốc gia dài hạn và về Thương hiệu Quốc gia, cũng như Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) trong xếp hạng của các tổ chức uy tín quốc tế.
Với phương châm điều hành năm 2023 - “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thích ứng với bối cảnh mới, tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đẩy nhanh giải ngân hiệu quả gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng và tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, nắm bắt đầy đủ những diễn biến mới của tình hình, cầu thị, lắng nghe và phản ứng chính sách thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống mới phát sinh; chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội hướng tới tương lai.
Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số, xã hội số, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển liên kết kinh tế vùng, kinh tế đô thị; điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Đồng thời, lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thị trường lao động và thị trường năng lượng; tăng cường thu hút, liên kết và chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước; khai thác các cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và từ các quan hệ của Việt Nam với các đối tác chiến lược toàn diện; giảm thiểu rủi ro chính sách và giữ vững lòng tin chính trị, chính sách, đầu tư, tiêu dùng và thị trường trong nước và quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài...
Với bản lĩnh và nền tảng đã có, nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam tự tin sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%... của kế hoạch năm 2023 đặt ra theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội./.