Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/01/1973 - 27/01/2023): Mốc son lịch sử và những bài học vẫn vẹn nguyên giá trị

Chính trị - Ngày đăng : 15:41, 12/01/2023

(BKTO) - Ngày 27/01/2023 sẽ là thời điểm tròn 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết. 50 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm từ mốc son lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến hôm nay.
33-ky-niem-50-nam-hiep-dinh-paris.jpg
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27/01/1973. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của quá trình đấu tranh bền bỉ

Nói đến Hiệp định Paris là nói đến sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Theo Hiệp định này, Mỹ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mỹ phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rút hết quân và đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam; không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình…

Hiệp định Paris không chỉ đơn thuần là chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau 20 năm diễn ra mà đó còn là kết quả của một quá trình đấu tranh quyết liệt giữa ta và Mỹ trên chiến trường, quá trình ấy bắt đầu ngay từ khi nền độc lập Việt Nam bị đe dọa. Thực ra, ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là từ năm 1950, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam bằng cách cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự cho Pháp. Trong suốt 20 năm (1954-1975), Mỹ đã liên tiếp thực hiện các chiến lược ở Việt Nam. Thế nhưng, các chiến lược ấy đều đã bị thất bại bởi cuộc đấu tranh chính nghĩa với ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta.

Từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, quân và dân miền Nam đã tiến công mãnh liệt cả về quân sự và chính trị khiến chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ phá sản. Để cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược, từ “chiến tranh đặc biệt” chuyển thành “chiến tranh cục bộ”. Một mặt, Mỹ ồ ạt đưa quân chiến đấu vào miền Nam; mặt khác, tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống lại miền Bắc, đưa chiến tranh xâm lược ra cả nước ta. Ba năm (1965-1967) là thời gian Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh. Thế nhưng, Mỹ đã vấp phải những đòn giáng trả mãnh liệt của quân và dân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam trong Tết Mậu Thân năm 1968 cùng với thắng lợi của miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ và khiến Mỹ hiểu rằng không thể dùng vũ lực mà chiến thắng được. Đó là lý do để ta và Mỹ đi đến đàm phán tại Paris nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Có thể nói, Việt Nam đã trải qua cuộc đấu tranh lâu dài trên chiến trường và cả trên bàn đàm phán. Quá trình đàm phán đã kéo dài trong 4 năm 9 tháng, qua 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp riêng kể từ cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ vào tháng 5/1968 cho đến khi ký được Hiệp định Paris. Mặc dù ngoan cố đến phút cuối cùng nhưng ngày 27/01/1973, Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ bài học lịch sử đến đường lối đối ngoại hiện nay

Với việc ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, trước hết là lực lượng quân đội trực tiếp chiến đấu. Đây không chỉ là kết quả đấu tranh quyết liệt trên chiến trường mà còn là cuộc đấu tranh ngoại giao rất bền bỉ của Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới.

Đặc biệt, Hiệp định Paris đã thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân thế giới lên cao và trực tiếp nhất là ngay tại nước Mỹ, tạo ra sức ép buộc Chính phủ Mỹ không thể kéo dài chiến tranh, một cuộc chiến tranh vừa tốn người tốn của vừa làm mất lòng dân. Với Hiệp định Paris, chúng ta đã có bước đi đúng, rất căn bản, như lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đó là tiền đề trực tiếp giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Như thế, phải nói rằng, đây là kết quả tổng hòa và kết quả này thêm một lần nữa khẳng định ý chí đóng vai trò quyết định, mặc dù vũ khí trên chiến trường vô cùng quan trọng và kết quả đó là thắng lợi của ý chí cùng sức mạnh dân tộc.

Hiệp định Paris là dấu mốc thành công lớn nhưng Cách mạng Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhất là trong quan hệ quốc tế cũng như đường lối ngoại giao. Sau này, cùng với thời gian và nhìn lại những bài học lịch sử, chúng ta càng thấy rằng độc lập trong ngoại giao là vô cùng quan trọng. Một vấn đề đặt ra ở thời điểm lịch sử đó là chúng ta phải có cách ứng xử phù hợp với những nước lớn như thế nào trong bối cảnh thế giới đang thay đổi và có sự sắp xếp lại các lực lượng. Chúng ta tranh thủ những thuận lợi từ sự ủng hộ, viện trợ của các nước bạn, các nước xã hội chủ nghĩa về nhiều mặt, nhưng chúng ta phải lựa chọn con đường thắng lợi theo cách của riêng mình. Bài học ngoại giao lớn nhất được đúc kết từ Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến khi chúng ta hoàn thành sứ mệnh thống nhất tổ quốc và bước vào con đường xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập chính là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay.

Đường lối đối ngoại hiện nay phải là kết quả của quá trình tích lũy, tiếp thu những bài học lịch sử nhưng đồng thời phải không ngừng phát triển. Chính sách “ngoại giao cây tre” luôn phải được chú trọng, chúng ta cần sự mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng phải rất cứng rắn, kiên cường và quyết liệt, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Điều bất luận trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Đó là nguyên tắc và chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở, hệ quy chiếu soi vào những vấn đề khác để đưa ra quyết định.

Vấn đề đặt ra là muốn đối ngoại vững vàng thì trước hết đối nội phải tốt, đối nội có mạnh thì đối ngoại mới “biến hóa” được. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn. Thế nhưng làm thế nào để tạo được niềm tin của người dân đối với những chủ trương, chính sách đối ngoại ấy? Những bài học trong cả quá khứ và hiện tại đã giúp chúng ta có câu trả lời: Mọi chủ trương, quyết định đều phải xuất phát từ cách làm khoa học, đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Phải tạo khối đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong Nhân dân, trên dưới đồng lòng thì ắt sẽ thành công!./.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC