Bài 3: Tạo điều kiện để văn hóa khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xã hội - Ngày đăng : 15:44, 12/01/2023

(BKTO) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn cầu hóa về văn hóa chính là xu thế nổi trội hơn cả. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, nên trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta nhất thiết phải vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa phải giữ gìn văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đang được toàn Đảng, hệ thống chính trị hưởng ứng thực hiện.
34-bai-a-son-van-hoa.jpg
Giữ gìn vốn văn hóa dân tộc trước làn sóng hội nhập, tiếp biến văn hóa. Ảnh sưu tầm

Tiếp thu có chọn lọc, gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc

Trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, văn hóa - thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia cũng không nằm ngoài xu thế đó. Xác định tầm quan trọng của hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng xác định nhiệm vụ “chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hoá về văn hóa.

Ở chiều tích cực, hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thực hiện quyền văn hóa của người dân, theo đó, người dân có thêm nhiều cơ hội thưởng thức, tham gia vào đời sống văn hóa nghệ thuật nước ngoài. Nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật đa dạng khác nhau nhanh chóng xuất hiện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Nhờ đó, không chỉ đời sống văn hóa nghệ thuật trở nên phong phú hơn mà chất lượng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cũng dần trở nên tốt hơn, khi được học hỏi cái mới, cũng như phải cạnh tranh để khẳng định chỗ đứng. Mặc dù vậy, chúng ta cũng thấy sự tiếp nhận văn hóa còn nhiều lộn xộn, thiếu chọn lọc không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Những ví dụ như tổ chức Halloween vừa qua hay rất nhiều hiện tượng lệch chuẩn, không phù hợp khác chính là hệ lụy đến từ quá trình hội nhập quốc tế thiếu sự kiểm soát, xa rời nền tảng văn hóa, giá trị thẩm mỹ.

Đây cũng chính là lý do Công ước 2005 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ra đời để bảo vệ chủ quyền văn hóa cho các quốc gia. Công ước đã khuyến khích các quốc gia ban hành chính sách, pháp luật để điều tiết tác động trái chiều của quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa.

Biến sức mạnh “mềm” văn hóa thành lực đẩy cho sự phát triển đất nước

Trong bối cảnh thế giới hội nhập mạnh mẽ, với sự bùng nổ của công nghệ, xóa tan các khoảng cách địa lý, để chọn lọc được tinh hoa văn hóa mới, củng cố bản sắc văn hóa đất nước, chúng ta cần xây dựng được một hệ thống các giải pháp phù hợp, cụ thể cần hướng đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần triển khai các quan điểm về quản lý văn hóa nghệ thuật và xây dựng con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cần một lộ trình cho sự thay thế cơ chế thẩm định sang cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Nhà nước sẽ hậu kiểm.

Thứ hai, xây dựng hệ giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là hình thành các chuẩn mực và khuôn mẫu văn hóa mới làm cơ sở cho việc xây dựng con người Việt Nam hiện đại với những phẩm chất đáp ứng sự phát triển của nền văn hóa mới.

Thứ ba, phát triển các công cụ chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong xã hội đầu tư cho văn hóa; cần xây dựng một khung thể chế mới khuyếch trương khía cạnh thương mại của văn hóa nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường.

Thứ tư, định vị lại cơ chế và chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo cơ chế mới, thay vì cơ chế quản lý hành chính, nặng tính “xin - cho” như hiện nay. Phát triển các quỹ văn hóa nghệ thuật nhà nước mang tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, các loại quỹ của khu vực tư nhân. Xây dựng luật về quỹ là ưu tiên hàng đầu hiện nay, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, các cơ chế giám sát của xã hội khi thực thi vận động và tài trợ trong xã hội.

Thứ năm, truyền thông là một bộ phận của nền văn hóa. Sự phát triển của internet, nhất là các phương tiện truyền thông mới, buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng. Do đó, cần có một lộ trình và kế hoạch để quản lý có hiệu quả lĩnh vực phát triển mới ở nước ta.

Thứ sáu, phát triển những loại hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thành lập một số trung tâm văn hóa ở một số khu vực trọng điểm và xây dựng trung tâm dịch thuật, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và hệ thống Trung tâm văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ bảy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia. Phát triển một số liên hoan nghệ thuật quốc tế, sự kiện văn hóa quốc tế có thương hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Văn hóa là lĩnh vực rộng, có ảnh hưởng qua lại với tất cả các lĩnh vực khác. Vì thế, hội nhập quốc tế về văn hóa cần được tiến hành một cách chủ động, tích cực để đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ hội nhập quốc tế về văn hóa mà chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về hội nhập quốc tế bằng văn hóa. Từ đó, sức mạnh “mềm” văn hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để làm được điều đó, bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành thể chế và môi trường thuận lợi, các thành phần kinh tế khác tham gia tích cực vào hội nhập quốc tế về văn hóa./.

PGS,TS. BÙI HOÀI SƠN - Đại biểu Quốc hội