Thủy sản trước hội nhập: Nhiều triển vọng, lắm gian nan

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:10, 21/01/2016

(BKTO) - Năm 2016 là năm hàng loạt các Hiệp định thươngmại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác sẽ có hiệu lực. Điều này hứa hẹnmở ra nhiều cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của nước ta, trong có có thủysản. Tuy nhiên, hội nhập sâu rộng cũng đòi hỏi ngành thủy sản cần có sự chuẩnbị kỹ lưỡng để chiến thắng trong “sân chơi” lớn này.



Xuất khẩu thủy sản hứa hẹn nhiều cơ hội khi cácFTA bắt đầu có hiệu lực. Ảnh: TK

Thời cơ lớn

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015, xuất khẩu thủy sản của nước ta ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trừ mặt hàng cá biển (tăng 5%), xuất khẩu tất cả các sản phẩm chính khác đều giảm từ 3-25%. Trong đó, tôm là mặt hàng giảm mạnh nhất với 25%, ước đạt gần 3 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2013 đến nay, năm 2015 đạt 470 triệu USD, giảm 3% so với năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm này là do nguồn cung tôm của các nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan hồi phục khiến giá xuất khẩu hạ. Cùng với đó, biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so với USD đã tác động mạnh đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm mạnh chỉ do giảm giá thì không phải là kết quả đáng lo ngại vì đó là do yếu tố cung - cầu quyết định. Nếu năm 2015, xuất khẩu thụt lùi về lượng thì đó mới là vấn đề, bởi nó thể hiện sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta ở một số thị trường đã có sự suy giảm. Rất may, thủy sản Việt Nam đã giữ được sản lượng xuất khẩu tương đương với năm 2014.

Dù gặp khó trong năm 2015, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lạc quan khi nhiều FTA bắt đầu có hiệu lực trong năm 2016. Đặc biệt là các FTA giữa Việt Nam với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc (các thị trường này chiếm tới 64,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam). Theo đánh giá của VASEP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc ký kết giúp nâng khả năng cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador (đang phải chịu thuế 20%) bởi Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong 5 năm đầu tiên và tăng lên 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%. Với thị trường Mỹ, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với 6 nước cạnh tranh chính là Agentina, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Indonesia bởi 6 nước này không có FTA với Mỹ.

Cùng với đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký VASEP cho biết, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đi vào thực thi, thủy sản sẽ là nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế ngay lập tức. Nga hiện là đối tác truyền thống đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Trong khi Nga đang áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản để bù đắp thiếu hụt tại thị trường này.

Thách thức không nhỏ

Việc tham gia các FTA hiển nhiên mang lại những cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra không ít thách thức cho DN thủy sản liên quan đến các vấn đề về quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại…

Khó khăn lớn nhất được VASEP chỉ ra hiện nay là vấn đề nguồn nguyên liệu không ổn định. Hiệp hội này cho rằng, trong những năm tới, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều hơn về thuế quan nếu có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nguyên liệu của nước ta hiện không ổn định do đầu vào sản xuất (thức ăn chăn nuôi, con giống, hóa chất, kháng sinh…) đều phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ nước ngoài. Điều này làm cho chi phí sản xuất cao hơn so với các nước khác, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nhiều DN Việt Nam vẫn chưa nắm bắt hoặc tận dụng tốt các ưu đãi của các FTA vì tính phức tạp và số lượng lớn các quy tắc được đề cập. Theo ước tính, DN Việt Nam mới chỉ tận dụng được khoảng 30% các ưu đãi từ FTA.

Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký VASEP, với lợi thế thuế quan sẽ xảy ra tình trạng các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu nhằm tận dụng nguồn lực, ưu đãi thuế quan của Việt Nam tại các thị trường, dẫn tới việc khó quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ở một khía cạnh khác, thủy sản Việt Nam dù được hưởng lợi về thuế nhưng cũng là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay lao động rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng Việt Nam. Thực tế, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, hơn 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do nhiễm kháng sinh, vi sinh vượt mức cho phép đã chứng minh cho lo ngại này.

Nhận định về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, năm 2016 sẽ vẫn là năm khó khăn với xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là đối với tôm và cá tra. Trong bối cảnh đó, chúng ta không còn cách nào khác là phải tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Không để tình trạng nhiều lô tôm, lô cá bị trả về như thời gian qua.
THANH TÙNG