Khai mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đối nội - Ngày đăng : 13:45, 14/05/2018

(BKTO) - Chiều 14/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 24 - Ảnh: quochoi.vn

Sáng nay (14/5), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 24 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo chương trình, Phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày 16/5, với nhiều nội dung quan trọng được UBTVQH xem xét, cho ý kiến, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2018; Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; đồng thời cho ý kiến về công tác nhân sự.

Cũng tại Phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng BHXH năm 2017; xem xét Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc NSNN chuyển kinh phí vào Quỹ BHXH và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

UBTVQH cũng sẽ xem xét, quyết định thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời, cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp này là phiên cuối để xem xét một số nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Phiên họp diễn ra trong thời gian ngắn với khá nhiều nội dung quan trọng, lại ngay sát ngày khai mạc Kỳ họp. Vì vậy, để bảo đảm việc xem xét, quyết định những nội dung này thực sự hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện các văn bản kịp trình Quốc hội, đề nghị các thành viên UBTVQH dự họp đầy đủ, nghiên cứu kỹ tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2018.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, 4 chỉ tiêu không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội. Riêng 2 chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP đạt thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Chính phủ đánh giá, năm 2017 là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế. Nổi bật nhất là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,81%, cao nhất kể từ năm 2011, nhờ có sự phục hồi và tăng trưởng đồng đều ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,53%, vượt mục tiêu Quốc hội đã đề ra (dưới 4%). Mặt bằng lãi suất ổn định, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo, tăng trưởng tín dụng đạt 18,24%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, thị trường chứng khoán khởi sắc.

Tổng thu cân đối NSNN vượt 6,3% so với dự toán, tăng 14,4% so với với năm 2016, bội chi NSNN bằng 3,48%, thấp hơn mức 3,5% được Quốc hội thông qua.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,3% GDP, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội (33,42%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 31,5% được Quốc hội thông qua.

Môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, được quốc tế đánh giá cao.

Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 214 tỷ USD, tăng 21,2%, vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (6 - 7%), cán cân thương mại chuyển từ mục tiêu nhập siêu dưới 3,5% sang xuất siêu 2,9 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh việc chỉ ra những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế. Đó là, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện. Tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về số lượng DN, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế. Số lượng DN thành lập mới chủ yếu là DN nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm; công tác thị trường và dự báo cung cầu nông sản còn yếu; buôn lậu, gian lận thương mại chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm…

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh một số hạn chế của nền kinh tế. Theo cơ quan thẩm tra, các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm, dừng lại ở khâu gia công; kết quả cổ phần hóa DNNN chưa đạt mục tiêu. Tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gia tăng.

Ngân sách trung ương hụt thu, không thực hiện được vai trò chủ đạo; tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững, thu từ cả 3 khối DN đều thấp so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội.

“Đề nghị đánh giá sâu hơn về sự bền vững của tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 khi ngân sách trung ương và thuế từ sản xuất, kinh doanh không đạt kế hoạch, báo cáo rõ nguyên nhân, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN, giảm nợ đọng thuế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ chậm; số chuyển nguồn NSNN còn khá lớn, kéo dài. Làm rõ nguyên nhân của việc chậm triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; việc kiểm soát chi NSNN chưa đạt hiệu quả, chi sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ” - cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu của các TCTD được triển khai tích cực nhưng số nợ xấu cần xử lý còn khá lớn; thị trường chứng khoán thiếu ổn định, còn tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi phải đánh giá tính hiệu quả trong giám sát, cảnh báo thị trường chứng khoán; môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số DN làm ăn hiệu quả còn thấp. Tính kết nối giữa DN chưa đem lại nhiều hiệu ứng lan tỏa; việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ...cũng là những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể và đề ra giải pháp khắc phục.

Chiều nay, UBTVQH sẽ cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2016. Tại phiên làm việc này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc sẽ trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016.
         
Tiếp đà tăng trưởng tích cực năm 2017, quý I năm 2018, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng đồng đều ởcả 3 khu vựcvà cao hơn mức tăng cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ (4,96%); lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34%, thấp hơn so với cùng kỳ (1,66%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,23%; mặt bằng lãi suất, thị trường vàng, ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá biến động linh hoạt; tổng thu NSNN lũy kế đến hết tháng 3/2018 ước đạt trên308 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng23,4% dự toán, tăng 5,3%; chi cân đối NSNN ước đạt290 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng19% dự toán, tăng 1,7%.

Đ. KHOA