Tăng trưởng GDP: Năng suất lao động là yếu tố quan trọng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:20, 14/05/2018
(BKTO) - Ngày 08/5, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”. Cùng với việc phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2018, Báo cáo đặc biệt đi sâu đánh giá về quá trình thay đổi năng suất lao động trong 2 thập kỷ hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tếkhả quan
Theo các chuyên gia nghiên cứu Báo cáo, năm 2018 được kỳ vọng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên cơ sở nền tảng của những năm trước. Trong kịch bản thứ nhất, các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,83%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. “Kịch bản này có nhiều khả năng xảy ra nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ, thể hiện bằng mức tăng trưởng tương đối cao trong tất cả các thành phần kinh tế, cũng như tất cả các ngành chính” - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thay mặt Nhóm nghiên cứu cho biết.
Trong kịch bản thứ hai, với các điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và Việt Nam, Nhóm nghiên cứu dự báo mức tăng trưởng GDP đạt 6,49%, xấp xỉ với mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, lạm phát cả năm 2018 sẽ không còn thấp như năm 2017. Trong kịch bản đầu tiên, lạm phát cả năm sẽ ở mức 4,21%, hơi cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát vượt mức 4% là hoàn toàn có thể khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công, cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát rất lớn. Chính vì vậy, để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành cần phải theo sát diễn biến giá cả của 6 tháng cuối năm 2018. Trong kịch bản thứ hai, các chuyên gia cho rằng, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát sẽ chỉ ở mức 3,86%, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hồng Thoan
Làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: “Năng suất là lõi của tất cả các yếu tố tạo nên GDP”.
Tuy nhiên, khi so sánh trên bình diện quốc tế, cụ thể là đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á và ASEAN, kết quả cho thấy, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất.
Vì vậy, Nhóm nghiên cứu khuyến cáo: Để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), cũng như cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động. Kèm với đó là những chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ cao để nâng năng suất lao động của các ngành; đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài.
Vấn đề năng suất đang làbài toán khó
Theo các chuyên gia, năng suất lao động bình quân của Việt Nam đã tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Giá trị năng suất lao động có xu hướng tăng khá nhanh qua các năm. Tuy giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam giảm từ 4,05% (2006) xuống còn 3,06% (2012), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm chỉ đạt 3,29% nhưng giai đoạn 2012-2017, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.
Kết quả thống kê cho thấy, tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có năng suất lao động ở mức cao là khai khoáng, sản xuất và phân phối điện - khí, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, kinh doanh bất động sản, cung cấp nước. Còn ngành công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá có năng suất lao động chưa cao và ngành nông - lâm - thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có năng suất lao động thấp nhất.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, TFP đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng năng suất lao động bình quân của Việt Nam. Sự giảm sút trong tốc độ tăng trưởng TFP là nguyên nhân chủ yếu kéo tụt tốc độ tăng trưởng năng suất lao động giai đoạn 2008-2009 và chỉ đóng góp xấp xỉ 10% vào tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân. Nếu như giai đoạn 2006-2012, TFP đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam với tỷ lệ bình quân hơn 37% thì con số này đã tăng lên gần 59%/năm trong giai đoạn 2012-2017. Xét chung trong tổng thể nền kinh tế giai đoạn 2008-2016, năng suất lao động đã tăng thêm 22,5%.
Thế nhưng, hiện năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua cả Campuchia ở 3 ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi, truyền thông và chỉ hơn Campuchia ở các nhóm ngành: nông nghiệp; điện, nước, khí đốt; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa. Tuy nhiên, Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong 3 nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng; tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng; dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.
Trước thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải hiểu rõ thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018