Cao tốc Bắc - Nam trông chờ nhà đầu tư ngoại
Đầu tư - Ngày đăng : 13:45, 14/05/2018
(BKTO) - Dự án Cao tốc Bắc - Nam được nhận định là sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án này còn nhiều thách thức, đặc biệt là việc thu hút nguồn vốn đầu tư.
Khó thu hút vốn nội
Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ Giao thông vận tải (GTVT)) Nguyễn Danh Huy cho biết, trong 11 dự án đoạn tuyến thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam, có 3 Dự án đầu tư công là các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2; còn lại 8 dự án được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và sơ tuyển nhà đầu tư trong năm 2018. Các dự án sẽ được thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công đồng loạt trong năm 2019 và 2020.
Ông Huy cho hay, giai đoạn 2017-2020, Việt Nam sẽ xây dựng thêm 654 km đường cao tốc thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam. Tổng mức đầu tư của Dự án này là hơn 118 nghìn tỷ đồng, trong đó, NSNN đầu tư 55 nghìn tỷ đồng, huy động nguồn vốn xã hội hóa hơn 63 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với Dự án này chính là việc huy động nguồn vốn.
Theo Nghị quyết về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Chính phủ mới ban hành, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia Dự án phải đạt tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư thay vì 10 - 15% như trước đây; sau 6 tháng, nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai Dự án sẽ bị tịch thu hợp đồng. Với quy định chặt chẽ này, nhà đầu tư yếu kém hết cửa tham gia Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đồng thời, việc đấu thầu có thể sẽ phải kéo dài nhiều lần vì rất ít DN trong ngành giao thông hiện nay có thể đáp ứng tiêu chí vốn để tham gia các dự án.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của WB cho rằng, ngân hàng nội địa không thể cấp vốn cho Dự án Cao tốc Bắc - Nam vì các khó khăn như: tỷ lệ cho vay/vốn huy động, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trên vốn huy động ngắn hạn đều đã chạm ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngay cả khi các biện pháp huy động vốn trong nước đã được áp dụng, vốn cho Dự án Cao tốc Bắc - Nam vẫn còn thiếu khoảng 1 - 1,5 tỷ USD/năm. Trong khi đó, việc kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không thể thực hiện được vì trần nợ công bị khống chế. Do đó, Việt Nam chỉ còn cách kêu gọi các nhà đầu tư/tổ chức tín dụng nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Dự án.
Điều chỉnh cơ chế, chính sách
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã ngỏ ý quan tâm đến Dự án Cao tốc Bắc - Nam, nhưng việc họ có chính thức tham gia hay không chưa thể khẳng định được. Bởi, khi phát hành hồ sơ sơ tuyển, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia, nhưng đến lúc phát hành hồ sơ thầu, họ chưa chắc đã tham gia.
Ông Đông chia sẻ thêm, các chuyên gia của WB đã đề xuất áp dụng một số cơ chế, chính sách mà nước ngoài đã áp dụng như: phân bổ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, trong đó, có cả rủi ro liên quan đến dự báo lưu lượng, huy động vốn, tỷ giá ngoại tệ, chia sẻ rủi ro trong thiếu hụt doanh thu... Tuy nhiên, những khuyến nghị trên vẫn chưa thể đưa vào khuôn khổ pháp lý để thực hiện Dự án Cao tốc Bắc - Nam sắp tới.
Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ đấu thầu quốc tế các Dự án Cao tốc Bắc - Nam để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những vướng mắc về cơ sở pháp lý cũng như những bất cập trong quá trình triển khai các dự án PPP, nhất là các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại Việt Nam thời gian qua có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế e ngại.
Muốn huy động vốn cho Dự án Cao tốc Bắc - Nam, theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất và cần làm ngay là phải điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP; đồng thời, bảo đảm sự công bằng và liêm chính của Dự án. Để làm được điều này, các bên liên quan cần triển khai kế hoạch hành động chống gian lận và tham nhũng hiệu quả; xây dựng và triển khai cơ chế giải quyết khiếu nại… Các dự án phải có khả năng đấu thầu quốc tế, đảm bảo sự cạnh tranh minh bạch, có cơ chế phân chia rủi ro rõ ràng giữa Nhà nước và tư nhân. Đồng thời, cần có các lớp tập huấn cấp tốc cho cán bộ chuẩn bị Dự án, tăng độ tin cậy của các tài liệu, tổ chức các buổi giới thiệu, quảng bá Dự án tới các nhà đầu tư quốc tế.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018