Đề án Cải cách chính sách tiền lương: Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước

Xã hội - Ngày đăng : 14:25, 14/05/2018

(BKTO) - Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN” (gọi chung là Đề án) là 1 trong 3 đề án được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7 khóa XII (diễn ra từ ngày 07 - 12/5). Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng - Thường trực Tổ Biên tập Đề án - đã trao đổi với báo chí về những nội dung mới cũng như tác động của chính sách quan trọng này.


Thưa ông, chính sách về tiền lương đang được toàn xã hội quan tâm. Ông có thể cho biết một số nội dung mới, nổi bật của Đề án?

Trước hết, mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, Đề án xác định “tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Tại khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

         
   
   
Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng Ảnh: N. Lộc
   
Đối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp), cơ quan và người lao động thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Đề án đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.

Đáng chú ý, hệ thống bảng lương mới được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho cách tính hiện hành và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Đề án cũng đề cập đến việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học...

Vừa qua, đề nghị tăng lương cho các đối tượng nghề nghiệp như bác sỹ, giáo viên đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Chính sách lương của các đối tượng này có thay đổi gì đặc biệt theo Đề án, thưa ông?

Đây đúng là những đối tượng nghề nghiệp được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ tăng lương, bởi công việc của họ có tính chất đặc thù cao.
Hiện nay, đối với giáo dục, viên chức được hưởng phụ cấp theo nghề từ 25 - 70% và hưởng thêm phụ cấp thâm niên nhà giáo. Viên chức ngành y tế cũng được hưởng phụ cấp như vậy, ngoài ra, họ còn có nguồn thu từ người bệnh đóng góp và Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhìn chung, mức lương nhận được của các đối tượng nghề nghiệp này còn thấp.

Trong Đề án, chúng tôi có nghiên cứu tổng thiết kế toàn bộ hệ thống bảng lương cũng như phụ cấp đối với tất cả ngành nghề. Khi trình T.Ư, chúng tôi chỉ trình nguyên tắc. Sau đó, trên cơ sở nghị quyết T.Ư được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng các văn bản cụ thể để quy định bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng và cơ chế tạo nguồn cho việc cải cách tiền lương. Cho nên, vấn đề lương, phụ cấp của ngành giáo dục hay y tế sẽ được các cơ quan chức năng thể chế hoá sau khi T.Ư ban hành nghị quyết.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu điều chỉnh chính sách tiền lương, để đảm bảo tính khả thi, tránh xáo trộn, việc tăng lương đặc thù cho các đối tượng nghề nghiệp này sẽ chưa được đề cập.

Đề án đã tính toán đến tính khả thi ra sao, đặc biệt là nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương, thưa ông?

Để thực hiện những đổi mới này, Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã đưa ra hàng loạt giải pháp như việc hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm.
Đối với giải pháp về tài chính, Ban Chỉ đạo kiến nghị ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách T.Ư cho cải cách tiền lương.

Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải được tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách sau năm 2020. Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN sẽ phải bãi bỏ. Như vậy, với lộ trình sắp xếp bộ máy và quy mô quỹ chi thường xuyên tăng, trong đó đã ấn định quỹ lương, chúng ta sẽ có nguồn để cải cách tiền lương.

Những giải pháp này hoàn toàn khả thi và đã sớm được các cơ quan liên quan lên phương án chuẩn bị. Điển hình như vừa qua, Bộ Nội vụ đã công bố Dự thảo Tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, ngoài Hà Nội và TP. HCM, các địa phương khác sẽ thực hiện sáp nhập và chỉ còn 17 - 19 sở, ngành. Việc thực hiện phương án này sẽ giảm tối thiểu được 46 sở, ngành trên toàn quốc, đồng nghĩa với hàng trăm vị trí lãnh đạo và hàng nghìn biên chế được cắt giảm.

Bên cạnh đó, công tác đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cũng đang được đẩy mạnh theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm gánh nặng cho ngân sách, từ đó tạo nguồn để tăng lương theo Đề án.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018