Tăng trưởng kinh tế 2018: Kỳ vọng lớn nhưng thách thức không nhỏ
Đối nội - Ngày đăng : 08:25, 21/05/2018
(BKTO) - Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2018 hết sức tích cực, song đây mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng có chung nhận định: sự bứt phá trong quý I đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại.
Dự báo tăng trưởng GDP giảm dần theo quý
Tiếp tục đà tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2017, báo cáo của Chính phủ đã dẫn ra những con số khá ấn tượng về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018. Trong đó, kết quả nổi bật là tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Bình luận về kết quả này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, chúng ta đã khắc phục được tình trạng tăng trưởng quý I năm sau thường thấp hơn quý IV năm trước.
Tuy nhiên, theo dự báo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần theo các quý. Ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017; kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017; thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm... Đây là những yếu tố có khả năng tác động làm giảm tăng trưởng năm 2018. “Động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế” - báo cáo nhận định.
Cùng với đó, lạm phát cũng được dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi, như: tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6,5% so với năm 2017), tăng giá điện bình quân (tăng 100 đồng/kWh từ 01/12/2017), điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc Quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và việc tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá trong năm 2018.
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều thách thức của nền kinh tế trong năm nay. Bên cạnh những vấn đề nội tại của nền kinh tế thời gian qua như: trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá..., nền kinh tế sẽ gặp khó khăn khi lộ trình tăng lãi suất của FED năm 2018 cùng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại một số nền kinh tế chủ chốt sẽ đẩy mặt bằng lãi suất thế giới trong trung và dài hạn lên cao, gây sức ép đối với điều hành tỷ giá và lãi suất trong nước. Cùng với đó là áp lực về cạnh tranh, về xuất khẩu, thị trường lao động…
Tập trung giải quyếtcác thách thức của nền kinh tế
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến tại phiên thảo luận đã nhấn mạnh những nỗ lực tích cực của Chính phủ trong điều hành kinh tế. Bên cạnh đó, các thành viên UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung làm rõ và có giải pháp giải quyết các thách thức của nền kinh tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, số liệu 3 tháng cho thấy, năm 2018, tiềm năng tăng trưởng và tiềm năng đạt và vượt các chỉ tiêu rất lớn song cũng có những lo ngại. Theo ông Định, DN đóng vai trò quan trọng để tăng trưởng nhưng 3 tháng đầu năm, số DN mới thành lập có xu hướng tăng chậm so với các năm gần đây. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, vốn bình quân của các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 3 tháng đầu năm nay chỉ 3,4 triệu USD, bẳng 1/3 vốn bình quân của các dự án năm 2014, nhiều dự án chỉ 1 - 2 triệu USD.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các trụ cột kinh tế phát triển chưa bền vững, mô hình tăng trưởng chưa chuyển biến rõ rệt. Các nhà đầu tư FDI đóng góp cho sự tăng trưởng của đất nước nhưng vấn đề là làm sao cho DN trong nước mạnh lên, có sự đóng góp, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị tăng trưởng.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc xử lý các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó có vấn đề năng suất lao động thấp. Theo ông Giàu, năng suất lao động của Việt Nam nói chung bằng 87% của Lào, nói riêng một số ngành thì còn xếp sau cả Campuchia. Đây là điều cần “hết sức suy nghĩ”. “Tôi đề nghị Chính phủ cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ bây giờ để làm xoay chuyển tình hình” - ông Giàu nói.
Bên cạnh đó, UBTVQH và cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp tích cực để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, đẩy nhanh việc cơ cấu lại DNNN và xử lý các DNNN thua lỗ; kiểm soát chặt chẽ thị trường chứng khoán, quá trình cơ cấu lại và tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng…
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/2018