Nhiều bất cập trong thực hiện chính sách tài khóa năm 2016
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:35, 21/05/2018
(BKTO) - Mặc dù thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 song tại phiên họp chiều 14/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2016, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) và Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 của KTNN cũng chỉ ra, việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2016 còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.
Ngân sách trung ương hụt thu
Năm 2016, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đề ra nhiều giải pháp để chỉ đạo, điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC-NS cũng chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.
Theo cơ quan thẩm tra, loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách trung ương (NSTƯ) hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương. Đồng thời, nếu không có khoản tăng thu sử dụng đất từ sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan T.Ư 9.262 tỷ đồng nộp vào NSNN để bù đắp thì thực chất NSTƯ hụt 10.660 tỷ đồng và chỉ đạt 98,21% dự toán. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,3%).
Đặc biệt, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, một số bất cập đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2015 vẫn tái diễn trong năm 2016. Theo đó, chất lượng công tác dự báo còn hạn chế, việc tính toán các yếu tố phát sinh ảnh hưởng tới nguồn thu trong năm chưa đảm bảo dẫn đến việc lập và giao dự toán thu chưa sát thực tế, gây bị động trong điều hành ngân sách của cả T.Ư và địa phương. Việc xác định và hoàn Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế và làm cho việc xử lý hụt thu NSTƯ không phù hợp, tăng thêm bội chi NSNN. Bên cạnh đó, tình trạng kê khai thiếu thuế vẫn diễn ra phố biến tại các đơn vị được kiểm toán.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu 19.109 tỷ đồng, đặc biệt, qua đối chiếu thuế, có tới 93,87% DN ngoài quốc doanh (2.344/2.497 đơn vị) kê khai thiếu 1.351 tỷ đồng tiền thuế. Tỷ trọng nợ đọng thuế giảm dần qua các năm song số tuyệt đối về nợ đọng thuế năm 2016 vẫn cao hơn năm 2015.
Kỷ luật tài chính lỏng lẻo
Bên cạnh những hạn chế trong công tác thu, đối với công tác chi NSNN, các báo cáo cho thấy, việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Tổng chi NSNN vượt dự toán song một số nhiệm vụ chi quan trọng lại không đạt dự toán như: chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 91%, chi sự nghiệp y tế đạt 97,6%, chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 90,2%... Tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn.
Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư như: phân bổ vốn chậm, bố trí kinh phí dàn trải, tình trạng phải điều chuyển vốn giữa các dự án, kéo dài thời gian giải ngân vốn vẫn diễn ra. Nợ đọng xây dựng cơ bản có xu hướng giảm dần song trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31/12/2014.
Một bất cập đáng chú ý là số chi chuyển nguồn năm 2016 cao nhất trong 3 năm gần đây (279.387 tỷ đồng, bằng 17,74% tổng chi cân đối NSNN). Theo kết quả kiểm toán, 28/47 địa phương được kiểm toán chuyển nguồn tăng so với các năm trước, nhiều địa phương chuyển nguồn qua nhiều năm. “Việc chuyển nguồn lớn trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, phải vay nợ và bội chi là biểu hiện của sự lãng phí nguồn lực. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chấn chỉnh để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN”- Ủy ban TC-NS nhấn mạnh.
Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhận thấy, qua các báo cáo, các số liệu đã được quyết toán, thẩm định, được kiểm toán đủ điều kiện trình Quốc hội phê chuẩn. Theo đó, tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương).
UBTVQH cũng lưu ý một số hạn chế trong quyết toán NSNN năm 2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Qua kiểm toán, số tăng thu vẫn lên tới 19.109 tỷ đồng, điều đó cho thấy kỷ luật thu chưa tốt. Các khoản chi cơ bản đảm bảo theo dự toán xong kỷ luật tài chính còn biểu hiện lỏng lẻo, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Cần khắc phục tích cực tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tình trạng chi sai chế độ còn lớn...
Tại phiên họp, sau khi xem xét các kiến nghị của KTNN, UBTVQH thống nhất chưa chấp nhận Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là 22.010 tỷ đồng; đồng thời, yêu cầu Chính phủ tính toán lại cơ cấu VEC, sau đó báo cáo Bộ Chính trị rồi trình ra Quốc hội. UBTVQH cũng chưa chấp nhận đưa vào quyết toán số tiền 3.866 tỷ đồng đã phân bổ cho VEC trong năm 2016. UBTVQH cũng thống nhất với kiến nghị của KTNN về việc báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán chi thường xuyên 233 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới theo quy định của Luật NSNN. |
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/22018
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/22018