Nên cân nhắc khi thu thuế tài sản
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:45, 21/05/2018
(BKTO) - Đó là khuyến nghị được nhiều chuyên gia nêu ra tại Tọa đàm khoa học “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ góc nhìn đa chiều” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa tổ chức. Cùng với khuyến nghị nói trên, giới chuyên gia đã đề xuất Chính phủ nên áp dụng thuế nhà, đất hay thuế bất động sản thay vì thuế tài sản.
Đa số các nước đánh thuếnhà, đất
PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định: Khi xây dựng Dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính dẫn thông tin hiện có 174/193 nước, vùng lãnh thổ đánh thuế tài sản là chưa chính xác. Theo ông Thế Anh, thuế tài sản (wealth tax) và thuế nhà, đất (property tax) rất khác nhau, thể hiện ở tính chất thu, đối tượng thu và mục đích sử dụng. Thuế tài sản được đánh vào đối tượng sở hữu tài sản, còn thuế nhà đất đánh vào người ở, người sở hữu. Thuế tài sản được chính quyền T.Ư thu nhằm điều tiết giữa người giàu với người nghèo còn thuế nhà đất được chính quyền địa phương thu để đầu tư, phát triển hạ tầng cho địa phương như: đường sá, trường học, bệnh viện... Các nước có nền kinh tế phát triển đã bỏ gần hết thuế tài sản do không hiệu quả, thay vào đó là thuế bất động sản.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cũng phân tích rõ thêm: Thuế tài sản là một khái niệm rất rộng, các nước trên thế giới ít dùng khái niệm này mà đặt ra từng loại thuế cụ thể như: thuế nhà, đất, thuế bất động sản... Các loại thuế này không có nhiệm vụ điều tiết giàu - nghèo mà để lại nguồn thu cho địa phương sử dụng vào các công trình công cộng. Hiếm nước đánh thuế tài sản ròng theo nghĩa tất cả tài sản, chỉ còn 4 nước đánh thuế tài sản (wealth tax) là Pháp, Na Uy, Thụy Sỹ và Đức. Nguyên nhân là do số thu thấp, hiệu quả không cao và người giàu có rất nhiều cách trốn thuế.
Chuyên gia tài chính công - TS. Đinh Tuấn Minh - cũng chia sẻ quan điểm trên và khuyến nghị Việt Nam không nên thu thuế tài sản. Ông cho rằng, thuế tài sản là loại thuế không đạt được mục đích hiệu quả và công bằng như mong muốn của cơ quan soạn thảo. Ở Việt Nam, nếu áp thuế này sẽ còn gây ra hậu quả tồi tệ hơn do bộ máy nhà nước cồng kềnh và thiếu minh bạch. Ông Minh lập luận: Nếu như thuế thu nhập là loại thuế kém hiệu quả hơn so với thuế tiêu thụ, thì thuế tài sản là loại thuế còn kém hiệu quả hơn nữa vì đây là loại thuế đánh cả vào vốn lẫn thành quả lao động.
Theo ông, một trong những lý do chính ủng hộ cho việc áp dụng thuế tài sản là tính công bằng. Người giàu sở hữu nhiều tài sản nên khi đánh thuế này thì sẽ phải trả nhiều thuế hơn và Nhà nước sẽ dùng thuế này để điều tiết lại cho người nghèo. Do vậy, nhiều nước thường chỉ áp dụng thuế tài sản với những người có căn nhà thứ hai vì họ cho rằng, nếu không đủ tiền trả thuế thì chủ nhà sẽ phải bán bớt một căn nhà đi để trả thuế.
Nên tính thuế nhà với thuế suất luỹ tiến
Từ phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên đánh thuế nhà, đất bởi thuế này đang rất thấp. Đồng thời, vấn đề quan trọng nhất là phải đưa ra cách tính thuế phù hợp.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ mục tiêu chính của sắc thuế tài sản là gì. Theo ông Cường, việc thu thuế bất động sản phải thực hiện được mục tiêu quản lý nhà nước về bất động sản tốt hơn và tạo cơ hội tiếp cận cho tất cả mọi người chứ không phải là tăng thu ngân sách. Về chính sách thuế đối với đất, ông cho rằng, nên kế thừa chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay nhưng cần được điều chỉnh cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân và đảm bảo đất được sử dụng hiệu quả.
Với thuế nhà, theo ông Hoàng Văn Cường, việc căn cứ tính thuế dựa vào giá trị xây dựng với ngưỡng 700 triệu đồng như Bộ Tài chính đề xuất là chưa hợp lý. Ông Cường cho biết, không quốc gia nào lấy giá trị xây dựng căn nhà để tính thuế mà phải lấy giá trị thị trường của bất động sản. Đồng thời, ông Cường đề nghị giá trị nhà để chịu thuế phải trên 5 tỷ đồng để đảm bảo những người nghèo, người thu nhập trung bình không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Nhà nước nên tính thuế theo biểu lũy tiến để người có tài sản giá trị lớn sẽ nộp nhiều thuế. “Đặc biệt, phải áp thuế suất rất cao đối với nhà và đất bỏ không nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ” - ông Cường khuyến nghị.
Cũng ủng hộ quan điểm này, TS. Phan Hữu Nghị (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Việt Nam nên tính thuế nhà ở với mức thuế suất luỹ tiến. Theo đó, chỉ nên áp thuế suất rất thấp đối với nhà ở bậc 1, bậc 2 và nên xây dựng khoảng cách khá xa giữa các bậc tính thuế. Ông Nghị đề xuất 5 bậc tính thuế đối với nhà: bậc 1 với nhà có giá trị đến 1 tỷ đồng không tính thuế; bậc 2 đối với nhà có giá trị từ 1 - 3 tỷ đồng với mức thuế suất 0,1%; bậc 3 đối với nhà có giá trị từ 3 - 7 tỷ đồng với mức thuế suất 0,2%; bậc 4 đối với nhà có giá trị từ 7 - 12 tỷ đồng với mức thuế suất 0,3%; bậc 5 đối với nhà có giá trị trên 12 tỷ đồng với mức thuế suất 0,4%.
THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/2018