Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 21/05/2018

(BKTO) - Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) là chính sách đặc biệt được Liên minh châu Âu (EU) dành cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điểm thay đổi đáng lưu ý vừa được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra là từ năm 2019, DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước EU cần phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng GSP.


Chuyển trách nhiệmtừ cơ quan quản lýsang doanh nghiệ̣p

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia gần 20 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang tính chất toàn cầu, khu vực và song phương, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với mức độ mở cửa nền kinh tế và những cam kết thuế quan sâu rộng. Tiêu biểu là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những tiêu chuẩn rất cao về thương mại tự do…

Một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong các FTA thế hệ mới là áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo kinh nghiệm quốc tế, cơ chế này đem lại nhiều lợi ích, giúp DN giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại cũng như giúp DN nắm bắt những cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA. Đơn cử, hệ thống này đã được áp dụng tại EU hơn 40 năm qua và thể hiện được ưu điểm nổi bật là đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí cho DN, giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho cơ quan hải quan. Do đó, các FTA mà EU đã ký hoặc đang đàm phán đều yêu cầu phía đối tác áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nêu rõ, với cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang DN. Điều đó đồng nghĩa với việc DN phải tự thực hiện các thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác. Hơn nữa, tự DN sẽ phải phát hành bằng chứng về xuất xứ, cụ thể là khai thông tin về xuất xứ trong các chứng từ thương mại mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành.

Tuy nhiên, theo các DN Việt Nam, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một cơ chế rất mới mà không phải DN nào cũng có thể thực hiện được. Hiện nay, các DN chủ yếu vẫn phải xin chứng nhận xuất xứ tại một cơ quan có thẩm quyền. Với cơ chế này, quy trình thông thường gồm 4 bước: DN nộp hồ sơ xin cấp phép; cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ; thẩm tra tại chỗ nếu thấy cần thiết; quyết định cấp phép hoặc không cấp phép. Giấy phép chứng nhận xuất xứ được cấp này có thời hạn 5 năm, nếu DN không có vi phạm. Do đó, việc tự thực hiện quy định mới này của EU đang khiến DN Việt Nam gặp nhiều bỡ ngỡ.

Tạo thuận lợicho doanh nghiệp thực hiện quy định mới

Hiện Việt Nam đang có khoảng 2.700 DN được hưởng ưu đãi GSP khi xuất khẩu sang EU. Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, con số này còn rất khiêm tốn so với thực tế. Vì vậy, việc bắt buộc tất cả các DN phải tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu sang EU là yêu cầu khá gấp gáp.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, để giảm bớt khó khăn, bỡ ngỡ cho DN Việt Nam, trước khi áp dụng, phía EU sẽ cho các DN Việt Nam thời gian quá độ khoảng 6 tháng. Trong thời gian này, nếu DN nào chưa tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đều có thể xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ các cơ quan chức năng như hiện tại. Cụ thể là DN muốn xuất khẩu sang EU vẫn có thể xin chứng nhận xuất xứ ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, để DN có thể đón đầu chính sách khi EU áp dụng quy định trên một cách toàn diện, bà Bùi Kim Thùy - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu - phân tích: Xuất xứ hàng hóa là căn cứ để nước đối tác nhập khẩu xác định hàng hóa có đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan hay không, do vậy, DN cần phải có sự am hiểu để chủ động vận dụng và được hưởng ưu đãi thuế.

Bên cạnh những yêu cầu DN phải có quá trình chấp hành tốt pháp luật, nhất là thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; có bộ máy đủ năng lực tự chứng nhận xuất xứ để làm thay cho vai trò của Nhà nước, khó khăn lớn nhất đối với DN muốn tự chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế là kim ngạch xuất khẩu của DN ở năm trước liền kề phải đạt tối thiểu 10 triệu USD. Do đó, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị, DN cần phải nắm bắt được những vấn đề, quy định cần thiết để tránh việc tự chứng nhận sai, làm ảnh hưởng đến uy tín của DN nói riêng cũng như uy tín của quốc gia nói chung.

Được biết, để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, khúc mắc khi thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng Thông tư hướng dẫn DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang EU, sau đó sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo cung cấp thông tin về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho DN. Đồng thời, sắp tới, Bộ sẽ mở các lớp đào tạo để cấp Giấy Chứng nhận DN đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Điều này cũng giúp Bộ Công Thương nắm được thông tin và khi có vấn đề xảy ra có thể phối hợp với EU truy xuất nguồn gốc hàng hóa và tìm được chính DN đó.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/2018