Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Không siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính thì bao nhiều tiền cũng không sử dụng hiệu quả”
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 12:00, 22/05/2018
(BKTO) - Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; giải quyết dứt điểm 12 dự án thua lỗ; giá đất đô thị… là những vấn đề lớn được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập tại phiên thảo luận ở tổ sáng 22/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2018 và quyết toán NSNN năm 2016.
Phân tích thực chất về cơ cấu tăng trưởng
Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, song tại phiên thảo luận tổ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu lên một số vấn đề cần làm rõ để có giải pháp xử lý.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N. Hồng
“Tôi đề nghị phải làm rõ cơ cấu tăng trưởng và thực chất tăng trưởng có mang lại lợi ích và đời sống cho người dân hay không?”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, do DN khó khăn nên các ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn khi cho vay vốn vì không có công ăn việc làm; có công trình, dự án đâu mà vay vốn. Trong bối cảnh đó chúng ta lại thực hiện đấu thầu trái phiếu chính phủ nên lãi suất của trái phiếu chính phủ hạ xuống. Đây chính là điểm nghẽn chứ không phải là tốt cho nền kinh tế
Bên cạnh đó, cho rằng năng suất lao động là vấn đề đáng lo nhất, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định: muốn cạnh tranh được, kể cả trong sản xuất nông nghiệp, đều phụ thuộc năng suất lao động. Nếu năng suất lao động tốt, chất lượng sản phẩm tốt thì mới nói đến chuyện xuất khẩu còn nếu năng suất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao thì khó bán được hàng hóa, khó phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần có sự phân tích về thị trường xuất khẩu, bởi thực tế hiện nay, chúng ta chủ yếu là xuất sang Trung Quốc còn các thị trường khó tính như Châu Âu thì rất khó khăn. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, đây là những vấn đề cần làm rõ để đưa ra giải pháp.
Đề cập đến vấn đề quản lý thuế và điều hành ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng: “Cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Nếu chúng ta không siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính thì bao nhiều tiền cũng không sử dụng có hiệu quả được”.
Mặt khác là cần tăng cường chống thất thu, đặc biệt là vấn đề chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế. Đây là nguồn thất thu rất lớn. “Chúng tôi đối chiếu khoảng gần 2,4 nghìn DN thì thất thu thuế ngoài quốc doanh đến 93,3% ở các DN được đối chiếu thuế. Các DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh thì lượng thuế thất thu cũng rất lớn. Cần phải tập trung tăng cường siết chặt nguồn thu”- Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, chúng ta có quy định tự kê khai, tự nộp…, khi người nộp thuế kê khai không đầy đủ thì chúng ta phải dựa vào hậu kiểm. Nhưng thực tế hiện nay, ngành thuế có 46 nghìn cán bộ, công chức nhưng cũng chỉ hậu kiểm được 18% thôi, còn 82% đang là một khoảng trống cũng cần được siết chặt để truy thu.
Đồng thời phải hoàn thiện về luật thuế, như thuế bất động sản, thuế về đầu tư dự án và các vấn đề liên quan đến thuế. “Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên để tự kê khai, tự nộp hay phải quay trở về quyết toán thuế như trước nay đã làm. Nếu đưa về quyết toán thuế chúng ta có thể quy trách nhiệm được cán bộ thu thuế, nếu phát hiện thu sót, thiếu nguồn thu thì anh phải chịu trách nhiệm”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại lớn
Nhấn mạnh việc Chính phủ cần tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu thực tế, từ khi chúng ta có Luật Khoáng sản về truy thu tiền cấp quyền sử dụng khoáng sản từ 01/7/2011 đến 31/12/2013, theo rà soát, hiện nay tối thiểu có trên 2.835 tỷ đang còn chờ nghị định hướng dẫn, việc có thu hay không vẫn chưa giải quyết được.
Thứ hai là, vấn đề 12 dự án thua lỗ cần tập trung giải quyết dứt điểm bằng một biện pháp nào đó, có thể bán hoặc cổ phần hóa. “Nếu chúng ta cứ kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đến giờ và đến hết nhiệm kỳ vẫn không giải quyết được 12 dự án này với gần 100.000 tỷ và sẽ kéo theo các hệ lụy khác như công ăn việc làm, lãng phí máy móc, thiết bị…”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Thứ ba là, đối với 3 “ngân hàng 0 đồng” cũng cần phải tập trung giải quyết, cần lựa chọn một trong những biện pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần quan tâm đến vấn đề hoàn thiện pháp luật đối với các dự án BT, BOT, đất đai đô thị. Trong đó, vấn đề giá đất cần phải tính toán và phải thay đổi cách tính giá đất, bởi nếu tính giá đất như hiện nay thì tất cả mọi dự án đều sai phạm.
“Một khu đô thị mà chúng ta đưa ra 5 phương pháp áp giá mà không bắt buộc chủ đầu tư thực hiện theo phương pháp nào, để họ tự lựa chọn, trong khi giữa phương pháp này với phương pháp kia chênh lệch nhau hàng chục lần. Đó là điều không thể chấp nhận được”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần chú ý ngăn chặn hiện tượng bong bóng bất động sản, tránh gây tác hại lớn cho nền kinh tế.
N. HỒNG