Cần cơ chế ràng buộc ngân sách “cứng”

Đầu tư - Ngày đăng : 16:35, 21/01/2016

(BKTO) - Từ những nghiên cứu thựctiễn, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chorằng: được ưu tiên miễn, hoãn, giảm thuế nhưng thiếu nghiêm túc thực hiện nghĩavụ nộp ngân sách mà không bị phạt là một hình thức biểu hiện của việc không ápđặt được cơ chế ràng buộc ngân sách cứng đối với DNNN. Thực tế ở Việt Nam đangtồn tại hiện tượng này, ở cả DN lớn lẫn DN nhỏ, DN được cho là đang kinh doanhcó hiệu quả cũng như DN yếu kém.



Các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên luôn kiến nghị hoặc xin miễn giảm các khoản thuế, phí phải nộp. Ảnh: TK

Nhiều biện pháp hỗ trợ thuế đã và đang được thực hiện

Khi các DNNN gặp khó khăn có thể được xóa nợ thuế, tuy đây không phải là hình thức phổ biến nhưng vẫn xuất hiện trong một số trường hợp DNNN sản xuất kinh doanh thua lỗ nặng, không có khả năng thu hồi nợ thuế, hoặc đã giải thể, chuyển đổi sở hữu… Còn hình thức hỗ trợ thuế phổ biến hơn là hoãn, gia hạn, giảm thuế. Điển hình cho hình thức này trường hợp của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thời gian qua. Nguyên nhân là Vinashin (nay đã chuyển thành Công ty SBIC) từ năm 2008 đã lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, thua lỗ nặng nề. Chính phủ chủ trương tái cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Vinashin với sự hỗ trợ trực tiếp từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính, tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Tập đoàn. Từ đó đến nay, nhiều biện pháp hỗ trợ đã được thực hiện, trong đó có biện pháp hỗ trợ về thuế như giãn nợ thuế cho khoản vay 600 triệu USD, miễn nộp phí hàng hải, ưu đãi thuế cho hợp đồng bị hủy, được khoanh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các DN trực thuộc…

Ngoài hình thức trên, một số DNNN có thể được hưởng chính sách thuế đặc thù. Tuy không quá phổ biến, nhưng hiện tượng này có bản chất của cơ chế xin - cho trong nộp thuế và nộp NSNN. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiêu biểu trong thời gian qua là các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, có cơ chế quản lý đặc thù về tài chính nói chung, nộp NSNN nói riêng (các khoản thuế, phí tài nguyên) luôn có kiến nghị hoặc xin miễn giảm các khoản thuế, phí phải nộp. Trước những yêu cầu này, các cơ quan quản lý nhà nước đã phải “thỏa hiệp” với DN. Đơn cử, tháng 9/2012, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Bộ Công thương đã đề xuất và được chấp thuận cho giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống chỉ còn 10%. Khi thuế xuất khẩu được Nhà nước điều chỉnh tăng lên 13% (áp dụng từ tháng 7/2013), TKV lại tiếp tục xin giảm thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí môi trường, hoàn thuế GTGT đầu vào… đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu than. Bộ Tài chính có quan điểm không đồng tình ưu đãi cho TKV nhưng vẫn đồng ý giảm thuế xuất khẩu từ 13% xuống 10% kể từ ngày 1/9/2013 đối với than đá, than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá...

Cần áp đặt một ngân sách cố định các DNNN

Thực tế cũng cho thấy, những năm qua, sai phạm về thuế của các DNNN vẫn chưa được xử lý nghiêm hoặc xử lý không kịp thời. Vì thế, nợ đọng, chậm nộp, chây ỳ, sai phạm trong hạch toán chi phí để giảm mức thuế và các khoản phải nộp NSNN không phải là hiện tượng cá biệt trong khu vực DNNN. Theo Báo cáo số 99/BC-BTC của Bộ Tài chính ngày 02/12/2012, thuế nợ đọng của 56 đơn vị trong các ngân hàng thương mại nhà nước bị truy thu đến thời điểm đó là 1.431 tỷ đồng; của 88 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 546 tỷ đồng. Văn bản của Thanh tra Chính phủ số 3173/TB-CP ngày 27/12/2014 thông báo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số đơn vị thành viên chưa nộp NSNN 42,9 tỷ đồng tiền thuế thu nhập DN theo quy định.

Báo cáo kết quả kiểm toán Chuyên đề Miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và công tác chống thất thu NSNN năm 2012 tại Tổng cục Thuế của KTNN cũng xác định, trong năm 2012, các cơ quan thuế đã xóa nợ thuế, tiền phạt đối với 11 trường hợp theo quy định tại Điều 65, Luật Quản lý thuế với tổng số tiền 5.421 triệu đồng. Đồng thời xóa nợ thuế đối với 7 DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi trước ngày 01/7/2007 theo quy định với tổng số tiền thuế, tiền phạt là 19.697 triệu đồng.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, về cơ bản, công tác xóa nợ thuế đã được thực hiện theo quy trình. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý xóa nợ thuế trên tổng nợ cần xử lý (0,74%) là quá thấp. Nguyên nhân chủ yếu do theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì chỉ có 2 trường hợp được xóa nợ là DN bị tuyên bố phá sản và cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích. Nhưng thực tế còn rất nhiều trường hợp người nộp thuế còn nợ thuế mà cơ quan thuế không thể thu được do người nộp thuế bỏ địa bàn kinh doanh, bỏ trốn hoặc đang chịu trách nhiệm hình sự, DN đã giải thể, phá sản chưa làm các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, thuộc đối tượng xóa nợ song không đủ hồ sơ…

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã áp dụng biện pháp mạnh: công khai danh tính các DN nợ thuế lớn nhất. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp “cực chẳng đã” mới phải đánh vào tâm lý và uy tín của mỗi DN.

Các chuyên gia CIEM nhấn mạnh, giải pháp căn bản để khắc phục tình trạng trên là phải áp đặt kỷ luật tài chính và hình thành cơ chế ràng buộc ngân sách “cứng” để triệt tiêu động lực và lý do tồn tại của ngân sách “mềm”. Theo đó, cần quán triệt nguyên tắc ngân sách “cứng” trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý hoạt động của DNNN, áp đặt một ngân sách cố định để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xác định, không đáp ứng yêu cầu bổ sung vốn hoặc các khoản vay cao hơn mức kế hoạch, không hỗ trợ, duy trì sự tồn tại của DNNN ngay khi thua lỗ, trong tình trạng phải giải thể, phá sản.
H.THOAN