Cần xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 11:00, 24/05/2018
(BKTO)- Quốc hội và Chính phủ cần cẩn trọng xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế (từ Điều 40 đến Điều 43) của Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đó là khuyến nghị do Liên minh công bằng thuế và Oxfam đưa ra tại Hội nghị chuyên đề "Thảo luận về chính sách ưu đãi thuế dành cho các đặc khu kinh tế" được tổ chức vào ngày 23/5 tại Hà Nội.
Các chuyên gia đang thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế - Ảnh: Thùy Anh |
Theo đại diện Oxfam, việc phải cẩn trọng đối với chính sách này xuất phát từ 3 lý do sau:
Thứ nhất, các chính sách ưu đãi thuế trong Dự thảo là không cần thiết vì các lĩnh vực được ưu đãi không có gì mới so với các luật khác. Các ngành công nghiệp nằm trong đề xuất ưu tiên ở đây gần như trùng lặp với các ngành ưu tiên của các khu công nghệ cao và các khu kinh tế khác đã triển khai. Từ khi chưa xây dựng Dự thảo luật về đặc khu, ba ngành kinh doanh casino, nghỉ dưỡng, bất động sản cũng đã có chính sách thu hút đầu tư riêng. Các đối tượng mới khác được hưởng ưu đãi thuế trong Dự thảo như: lĩnh vực nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các trung tâm nghiên cứu sáng tạo.... lại có đặc thù là kết quả kinh doanh không ổn định. Do vậy, việc được miễn thuế trong ngắn hạn có thể cũng không mang lại nhiều lợi ích cho nhóm nhà đầu tư này.
Thứ hai, các chính sách ưu đãi thuế như Dự thảo nêu có thể làm trầm trọng hóa vấn đề thất thu thuế từ hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp. Trong bối cảnh các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu 100 tỷ USD mỗi năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia, chính sách ưu đãi thuế trong Dự thảo có thể sẽ tạo ra một vùng trũng về thuế ngay trong chính Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa quốc gia chuyển giá, mà chính các doanh nghiệp Việt Nam có thể né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp nằm ngoài đặc khu kinh tế sang các doanh nghiệp ở trong đặc khu. Theo đó, chi phí quản lý thuế và hải quan cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là ở các đặc khu có địa giới hành chính liền kề với với các khu vực không được áp dụng ưu đãi.
Thứ ba, các chính sách ưu đãi được đề xuất trong Dự thảo đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận (profit-based incentive) mà nhiều quốc gia đang phát triển đã không sử dụng nữa. Ví dụ: Jamaica đã loại bỏ ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận theo ngành từ năm 2013; Ấn Độ thay bằng việc sử dụng ưu đãi thuế dựa trên đầu tư từ năm 2009; Ai Cập bỏ các loại ưu đãi về thời gian miễn thuế (tax holiday) từ năm 2005 mà không hề tác động tiêu cực tới đầu tư. Thậm chí, năm 2006 đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ai Cập còn tăng gấp đôi so với năm 2005.
Đại diện Oxfam cho biết thêm, theo báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (2017-2018), ba yếu tố quan trọng nhất được các công ty lựa chọn trước khi quyết định đầu tư chính là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội, không phải là ưu đãi thuế. Còn theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (James 2014), 85% nhà đầu tư ở Việt Nam được hỏi về vấn đề này đã khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết.
THÙY ANH