50 tỉnh, thành phố, Đảng ủy trực thuộc Trung ương hưởng ứng Cuộc thi báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo"
Xã hội - Ngày đăng : 11:35, 28/05/2018
(BKTO) - Tổng cộng 855 triệu đồng sẽ được trao cho 66 tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các loại hình báo chí tham dự và đạt giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo" giai đoạn 2017-2020. Cuộc thi do Ban Dân vận T.Ư và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phát động từ đầu tháng 10/2017, nhằm hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020).
Hình ảnh tại lễ phát động cuộc thi Dân vận khéo năm 2017. Ảnh: hoinhabaovietnam.vn
Nhằm hướng dẫn triển khai Cuộc thi, ngày 12/10/2017, Ban Dân vận T.Ư đã ban hành Kế hoạch số 1273-KH/BDVTW về tổ chức Cuộc thi và công bố thể lệ Cuộc thi. Theo đó, các năm 2018, 2019, tổ chức chấm sơ khảo, chọn bài vào chung khảo và sơ kết Cuộc thi vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng; năm 2020 sẽ chấm chung khảo, tổng kết và trao giải Cuộc thi vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (ngày 15/10).
Đối tượng được phản ánh là những tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị…; có tính bền vững, sức lan tỏa và đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị và trên phạm vi cả nước.
Tác phẩm dự thi thuộc các loại hình báo chí. Những tác phẩm đã được trao thưởng các cuộc thi khác vẫn được quyền tham dự Giải nhưng cần ghi rõ mức giải đã đạt, đơn vị và thời gian tổ chức.
Theo Ban Dân vận T.Ư, đến nay, khoảng 50 tỉnh, thành phố và Đảng ủy trực thuộc T.Ư đã tổ chức triển khai Cuộc thi tại địa phương, hệ thống tổ chức của mình. Nhiều địa phương, đơn vị đã tích cực hưởng ứng và triển khai Cuộc thi, tạo được hiệu ứng tốt, thúc đẩy công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh … ở địa phương, cơ sở.
Nhiều địa phương triển khai sớm, nghiêm túc, bài bản, có nhiều sáng tạo, tổ chức được Cuộc thi cấp tỉnh, thành lập hội đồng thẩm định tác phẩm, đưa kết quả thực hiện Cuộc thi vào tiêu chí thi đua, có kế hoạch trực tiếp lựa chọn, tôn vinh các tác phẩm báo chí về tấm gương “Dân vận khéo” ở địa phương, gửi về dự thi cấp T.Ư…
Đểthúc đẩy Cuộc thi đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian sắp tới, Ban Dân vận T.Ư đề nghị các cơ quan liên quan cần quan tâm phối hợp, hướng dẫn, khuyến khích các cơ quan báo chí, các nhà báo tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác dân vận và tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi. Các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận T.Ư và Ban Dân vận cấp ủy các cấp trong hoạt động thông tin, tuyên truyền. Cấp ủy và Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư quan tâm theo dõi, đôn đốc, tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Cuộc thi.
Về cơ cấu giải thưởng Cuộc thi, Giải thưởng chung kết Cuộc thi gồm các loại Giải A, B, C và Khuyến khích, được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các loại hình báo chí. Cụ thể, 6 giải A (30 triệu đồng/giải); 15 giải B (20 triệu đồng/giải); 15 giải C (15 triệu đồng/giải); 30 giải Khuyến khích (5 triệu đồng/giải). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn tặng 10 Giải đồng hạng “xuất sắc” cho các cơ quan báo chí và ban dân vận cấp ủy có thành tích tiêu biểu; tặng tiền thưởng và mời các tấm gương "Dân vận khéo" của các tác phẩm báo chí được lựa chọn vào vòng chung khảo qua các năm tham dự giao lưu tại Lễ Tổng kết Cuộc thi (90 gương mặt tiêu biểu nhất). |
LÊ HÒA