Giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục gặp khó
Xã hội - Ngày đăng : 12:05, 04/08/2016
(BKTO) - Hơn 20 cơ sở không tuyển được họcsinh Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong năm học vừa qua - cho thấy những khókhăn trong công tác tuyển sinh của giáo dục chuyên nghiệp những năm gần đây. Trongkhi đó, công tác phân luồng, hướng nghiệp được cho là vẫn còn nhiều bất cập vàchưa đủ mạnh để thu hút người học vào bậc học này.
Đào tạo trung cấp là hướng đi đúng đắn song vẫn chưa đủ sức hút với người học. (ảnh Sơn Trà)
Theo báo cáo tổng kết tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp, năm học vừa qua, cả nước có 482 cơ sở đào tạo TCCN. Trong đó có 245 trường TCCN; 183 trường cao đẳng (CĐ) và 27 trường đại học (ĐH) và 27 cơ sở khác đào tạo TCCN.
Báo cáo cũng cho biết, số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo TCCN trong năm 2015 là 143.135 học sinh, chỉ tương đương 51% so với tổng chỉ tiêu được xác định, giảm mạnh về quy mô so với năm học 2014-2015. Nhiều cơ sở có đào tạo TCCN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, trong đó có hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh TCCN. Đại diện của nhiều trường TCCN phản ánh vấn đề tuyển sinh của bậc học này đang ngày càng khó khăn.
Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác tuyển sinh TCCN vừa qua, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là do công tác phân luồng học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhìn chung chưa được chú trọng đúng mức; thiếu các chính sách, cơ chế và thiếu sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để khuyến khích người học. Ngoài ra, việc tồn tại nhiều bậc học cùng đào tạo TCCN đang gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường TCCN. Do đó, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đề nghị cần kiên quyết thực hiện đến năm 2017, các trường ĐH không đào tạo TCCN và tiến tới giảm dần chỉ tiêu đào tạo TCCN ở trường CĐ.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GD&ĐT) Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang gặp những thách thức: năng suất lao động của Việt Nam thua xa các quốc gia ASEAN, điều kiện nguồn lực thiếu thốn, đầu tư cho dạy nghề thiếu quy hoạch tổng thể, dàn trải gây lãng phí. Liên quan đến việc liên kết đào tạo, dù được chấn chỉnh nhưng vẫn còn tình trạng một số trường làm trái quy định. Nhiều địa phương buông lỏng quản lý, xử lý không triệt để hoặc chưa bảo đảm đúng yêu cầu điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất trong liên kết đào tạo đã gây bức xúc đối với dư luận…
Thống nhất trong quản lý giáo dục nghề nghiệp
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, thực tế hiện nay trong hệ thống đang tồn tại song song Trung cấp nghề, CĐ nghề và TCCN cùng đào tạo nghề nhưng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ GD&ĐT quản lý, dẫn tới việc trường thì nhiều nhưng tuyển sinh bị phân tán, không hiệu quả. Đây cũng là câu chuyện từng gây tranh cãi ở 2 Bộ trên suốt nhiều năm qua. Nhiều ý kiến chuyên gia trước đó đã lên tiếng cần thống nhất một đầu mối quản lý chung để tránh trùng lặp, gây khó khăn cho người học, song Bộ nào đứng ra quản lý, đến giờ vẫn chưa thể thống nhất.
Trước những ý kiến trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã có tờ trình gửi Chính phủ về vấn đề quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, kiến nghị Bộ GD&ĐT thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục, bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục ĐH, kể cả giáo dục nghề nghiệp hiện thuộc quản của Bộ LĐ-TB&XH; cùng với đó là chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh: Cần thống nhất quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu không, việc quy hoạch, điều tiết để phân luồng, tạo cơ cấu nhân lực hài hòa theo yêu cầu phát triển đất nước sẽ khó thực hiện được. Nhấn mạnh quan điểm của Bộ GD&ĐT luôn coi giáo dục chuyên nghiệp là bậc học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, ông Ga cũng yêu cầu bản thân các trường TCCN cần chú trọng cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp và tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm tranh thủ các nguồn lực đầu tư, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước để nâng cao chất lượng đào tạo.
NGUYỄN LỘC