Rối đào tạo, loạn phong hàm

Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 28/05/2018

(BKTO) - Đề án đào tạo tiến sĩ tiêu tốn cả nghìn tỷ đồng không mang lại hiệu quả, giáo sư khai man hồ sơ, “đạo” văn học trò để được phong hàm… là những vấn đề bức xúc nổi cộm của ngành giáo dục thời gian qua. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm cũng như có giải pháp để chấn chỉnh triệt để.


Nghìn tỷ chi cho đào tạo vẫn không đạt mục tiêu

Với mục tiêu tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ cả về quy mô và chất lượng, góp phần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý đại học, Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (Đề án 911) được đầu tư với mức kinh phí “khổng lồ”: 14 nghìn tỷ đồng để đào tạo 23 nghìn tiến sĩ.

Tuy nhiên, qua triển khai đến hết năm 2016, Đề án đã bộc lộ hàng loạt hạn chế, không đạt mục tiêu đề ra, buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải dừng tuyển sinh từ năm 2017. Những hạn chế này đã được KTNN chuyên ngành III chỉ rõ trong Báo cáo kiểm toán Chuyên đề Công tác quản lý và sử dụng kinh phí NSNN chi cho Đề án 911. Cụ thể, Đề án được xây dựng không sát với yêu cầu thực tế. Dự kiến nguồn tuyển sinh không đúng dẫn đến mục tiêu không thực hiện được cả về số lượng đào tạo tiến sĩ, kinh phí và nguồn hình thành. Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT thiếu quyết liệt và thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ trong triển khai nhiệm vụ với các đơn vị liên quan; công tác kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT chưa thường xuyên để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung Đề án kịp thời.

Cũng theo Báo cáo kiểm toán, mức kinh phí hỗ trợ của Đề án thấp, trong khi yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của nghiên cứu sinh cao hơn chương trình đại trà và yêu cầu để được hỗ trợ cũng rất cao. Điều này, dẫn đến việc không đảm bảo sự phù hợp về trách nhiệm và quyền lợi của người học, vì vậy, Đề án chưa thu hút được các ứng viên tham gia; chương trình đào tạo chưa có sự khác biệt so với các chương trình đào tạo tiến sĩ đại trà; chế tài xử lý học viên vi phạm còn thiếu… Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp NSNN hơn 50 tỷ đồng và nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách tiền, tài sản nhà nước; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan tại Bộ GD&ĐT.

Được biết, sau khi kết thúc Đề án 911, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Dự thảo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030 với nguồn kinh phí dự kiến là 12 nghìn tỷ đồng để đào tạo khoảng 9 nghìn tiến sĩ. Trong quá trình lấy ý kiến, Dự thảo Đề án đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội, bởi trước đó, Đề án 911 đã vướng nhiều sai phạm và không mang lại hiệu quả.

Loạn phong hàm

Trong khi câu chuyện đào tạo tiến sĩ chưa hết “nóng” thì câu chuyện “chuyến tàu vét 174” (kết thúc tiêu chuẩn phong học hàm GS, PGS giai đoạn 2008-2017 theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS) với sự tăng lên đột biến về số lượng GS, PGS được phong hàm mới đây càng khiến dư luận xã hội bức xúc.

Theo công bố ban đầu, danh sách ứng viên đạt các tiêu chuẩn chức danh này năm 2017 là trên 1,2 nghìn người, cao gấp gần 2 lần so với năm 2016 và 2,34 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh và với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, kết quả, 94 ứng viên phải rà soát lại vì có đơn thư tố cáo, dù trước đó, Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) Nhà nước - cơ quan tổ chức xét chọn chức danh khẳng định các hồ sơ ứng viên đủ điều kiện, được xét duyệt nghiêm túc, minh bạch.

Điều bất thường là ngay cả với các ứng viên đạt tiêu chuẩn, vẫn có hơn 630 ứng viên không có bài báo khoa học hoặc nghiên cứu khoa học quốc tế (trong khi đây là yêu cầu bắt buộc). Nói vậy để thấy, chất lượng đội ngũ tri thức được coi là tinh hoa của đất nước đang thực sự “có vấn đề”.

Nỗi bức xúc của dư luận chưa kịp lắng xuống thì câu chuyện thầy “đạo” văn của trò để được phong hàm xảy ra tại Viện Ngôn ngữ học tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” của ngành giáo dục. HĐCDGS Nhà nước đã yêu cầu làm rõ vụ việc. Song, đáng buồn là người bị tố “đạo” văn lại là một trong những chuyên gia đầu ngành ngôn ngữ và là thành viên của HĐCDGS ngành ngôn ngữ học!

Dù kết quả xác minh ra sao, những lùm xùm vừa qua đã đưa đến cái nhìn thiếu thiện cảm về giới tinh hoa và làm xói mòn lòng tin của người dân và xã hội đến tầng lớp này. Chưa kể, đâu đó, chuyện mua bán bằng cấp để có tước vị, thăng quan, tiến chức đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra chỉ ra trong thời gian qua.

Thước đo giá trị đối với mỗi ngành nghề chính là sự cống hiến, sáng tạo được cụ thể hóa bằng sản phẩm và trong khoa học, đó là những công trình nghiên cứu mang lại thay đổi cho cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn vào những bất cập trong đào tạo tiến sĩ và phong hàm GS, PGS vừa qua, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cũng như có giải pháp để chấn chỉnh triệt để tình trạng này.

Nhưng trên hết, nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc “cái liêm sỉ của kẻ sĩ” giúp phân biệt họ với các tầng lớp khác trong xã hội. Đánh mất liêm sỉ, kẻ sĩ đã tự đánh mất chính mình! “Đó là điều mà mỗi người trong giới khoa học cần trân trọng để có trách nhiệm với mình, với xã hội hơn” - ông Quốc lưu ý.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 24-5-2018