Trường chất lượng cao: Phí tăng, chất lượng có tăng?

Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 01/12/2016

(BKTO) - Đề xuất tăng học phí tại các trườngcông lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gây nhiều ý kiếntrái chiều trong giới chuyên gia cũng như dư luận xã hội, trong bối cảnh mô hìnhtrường này được cho là chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo thời gianqua.


Băn khăn về mô hình trường chất lượng cao

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc cho ra đời mô hình trường CLC với 11 trường đã được công nhận gồm: 2 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở (THCS) và 3 trường trung học phổ thông (THPT).

Bỏ qua nhiều ý kiến lo ngại, Hà Nội đã thực hiện mô hình trường CLC trong trường công lập và bắt đầu công nhận chính thức mô hình này từ năm học 2014-2015. Viện dẫn các cơ sở pháp lý cho việc thành lập mô hình trường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội khẳng định, sẽ nhân rộng mô hình trong toàn Thành phố, không chỉ riêng nội thành. Tuy nhiên, chủ trương này của Sở đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, người dân, trong đó có cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lýgiáo dục học Hà Nội - việc nhân rộng mô hình trường, trong khi còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, hoài nghi và sẽ có tác động không tốt đến chất lượng giảng dạy, học tập. “Điều đáng tiếc là đến giờ, sau gần 3 năm được công nhận, mô hình này vẫn chưa có được cách hiểu, cách làm thống nhất” - TS Lâm cho biết.

Đặc biệt, việc thực thi cơ chế tài chính đối với nhóm trường này, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT là “tùy từng trường có thể đặt ra các mức thu khác nhau và không nhất thiết cùng một trường, tất cả các lớp đều có cùng mức thu”, trong khi mức thu theo quy định của Thành phố tối đa là 3,2 triệu/học sinh/tháng. Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội còn đề xuất, thời gian tới các cơ sở giáo dục CLC (trừ các trường ngoài công lập) sẽ được Nhà nước cấp kinh phí trong 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần thay vì 1 năm như trước đây. Kết thúc năm thứ ba, các cơ sở giáo dục công lập CLC tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên.

Trong khi đó, đại diện một số trường CLC bày tỏ lo ngại, do mức học phí được điều chỉnh tăng dần, nên số lượng học sinh theo học dự báo sẽ giảm, gây khó khăn cho hoạt động của trường trong bối cảnh nguồn kinh phí được cấp bị cắt giảm. “Thực hiện chuyển đổi theo chủ trương của thành phố, nhưng nhà trường vẫn chưa thể định hình được hướng đi sắp tới, khi mà trường phải tự chủ hoàn toàn” - lãnh đạo một trường THCS CLC chia sẻ.

Khi mức trần học phí tăng cao, một bộ phân học sinh sẽ bị “đẩy” ra khỏi trường do không có khả năng đóng góp. Ảnh: TK

Cần xem xét lại đề xuất mức tăng học phí

Theo khẳng định của Sở GD&ĐT Hà Nội, đích cuối cùng của việc cho ra đời mô hình này là sự bứt phá chất lượng giáo dục trong sự cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển… Tuy nhiên, dư luận lo ngại rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường CLC sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi, ra khỏi trường đang học do không có khả năng đóng góp.

Trong khi những băn khoăn trên chưa được giải đáp thì mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tiếp tục đề xuất mức trần học phí mới với cơ sở giáo dục công lập CLC, trong bối cảnh mức trần học phí được điều chỉnh từ năm 2015-2016 đã hết thời gian được áp dụng. Dự kiến, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục này sẽ tăng cao. Cụ thể, đối với mầm non và tiểu học, mức học phí tăng theo từng năm, từ 3.900.000 đồng (năm học 2016-2017) lên 5.100.000 đồng/học sinh/tháng (năm học 2019-2020); THCS và THPT tăng từ 4.100.000 đồng lên 5.300.000 đồng/học sinh/tháng.

Tại Hội nghị phản biện xã hội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC trên địa bàn Thủ đô được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại trước đề xuất tăng học phí của Sở GD&ĐT Hà Nội. Cho rằng mức tăng học phí trên là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, nhất là những học sinh khu vực ngoại thành, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ(ViệnKhoa học và Giáo dụcViệt Nam) đề nghị Sở GD&ĐT cần xem xét, điều chỉnh lại mức trần học phí cũng như giám sát việc thu học phí tại các trường CLC. “Kể cả khi chấp nhận mức tăng trên, Sở cần phải đưa ra được cam kết tăng phí đồng thời tăng chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục này!”.

TS. Đỗ Đức Minh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc thu mức phí theo đề xuất của Sở GD&ĐT là cao và chưa tương xứng với chất lượng đào tạo. Theo TS. Minh, việc cần làm lúc này là đánh giá lại kết quả 3 năm, kể từ khi mô hình trường CLC chính thức được công nhận để làm căn cứ đề xuất tiếp theo. Bởi thực tế hoạt động của mô hình trường này thời gian qua đã gây ra nhiều tranh cãi, cả việc thu phí lẫn chất lượng giảng dạy. “Mức phí thu cao, nhưng người dân vẫn bị thu thêm nhiều khoản tiền tự nguyện, trong khi người dân chưa biết gì nhiều về chất lượng các trường này, ngoài mác trường CLC” - TS. Minh cho biết.

NGUYỄN LỘC