Đổi mới giáo dục năm 2016: Cần thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản

Xã hội - Ngày đăng : 16:50, 21/01/2016

(BKTO) - Công bằng nhận xét, mấy năm gầnđây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo thí điểm nhiều đổi mới, từphương pháp giảng dạy, thi cử đến tổng thể chương trình giáo dục phổ thông,giáo dục đại học, nhưng mức độ lan tỏa còn chậm... Đó là nhận định của GS.TSKHNguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi trao đổi với Báo Kiểm toán về chặngđường một năm đổi mới của ngành Giáo dục.



GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn

Xin ông có thể cho biết đánh giá của mình về kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục của ngành Giáo dục trong năm 2015?

Năm 2015 là năm đầy sự kiện của ngành Giáo dục: Năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia theo phương thức mới, một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tiếp tục được thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017; chuẩn bị tái cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH thông qua phân tầng, mở rộng quyền tự chủ của các trường công lập, tăng cường cạnh tranh và minh bạch thông qua xếp hạng. Đặc biệt, đây cũng là năm mà câu chuyện cổ phần hóa các trường yếu kém được bàn luận sôi nổi... Tất cả những dấu ấn trên, dù đã được triển khai hay đang định hình đều khẳng định cho tinh thần đổi mới giáo dục của Chính phủ, cũng như toàn ngành hiện nay.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, giữa một thế giới đầy biến động, nhiều cơ hội và thách thức, đổi mới GD&ĐT phải được xem là xu thế mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, bên cạnh những kết quả trông thấy vẫn còn đâu đó những hạn chế. Lấy ví dụ, ngay trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bộ GD&ĐT vẫn còn rất lúng túng với công tác tổ chức. Nhiều cụm thi, điểm thi được bố trí bất hợp lý, gây bức xúc cho thí sinh và người nhà; chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn nhiều điểm gây tranh cãi; việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đối với chương trình còn chưa được nêu cao... Tất cả những hạn chế này cần sớm được khắc phục trong năm tới.

Nhìn tổng thể cả hệ thống giáo dục, theo ông đâu là bất cập lớn và cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Xem xét cả hệ thống giáo dục, thì vấn đề hết sức cấp thiết là tình trạng mất cân đối giữa 3 bộ phận chính: Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Do đó, cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể của từng bộ phận, cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục. Về hạn chế này, Bộ GD&ĐT từng thông tin đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để trình Chính phủ sửa đổi lại cơ cấu hệ thống giáo dục cho phù hợp với Khung trình độ quốc gia. Bộ cũng đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là công việc hết sức khó khăn, bởi muốn có chương trình mới cần phải đổi mới quan niệm, cách nghĩ về sứ mệnh và mục tiêu giáo dục, để chọn ra được những nội dung đích thực là phổ thông, đích thực là cơ bản.

Dù ai cũng biết nhà giáo có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục song trong những cuộc cải cách trước đây, vấn đề làm sao để có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng vẫn chưa giải quyết được. Rõ ràng, để giải quyết tận gốc vấn đề giáo viên, phải sớm bắt đầu cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp.

Cuối cùng, đổi mới căn bản công tác quản lý của hệ thống quản lý GD&ĐT phải được coi là giải pháp đột phá thì sự nghiệp đổi mới giáo dục mới thành công. Vì suy cho cùng, thành tựu hay yếu kém, chậm trễ của GD&ĐT hiện nay, không ai khác mà hệ thống quản lý phải chịu trách nhiệm.

Cũng trong năm vừa qua, lần đầu tiên, chủ trương giải thể, sáp nhập các trường ĐH, CĐ yếu kém được đưa ra mạnh mẽ. Ông kỳ vọng gì về điều này?

Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm 2015-2016 được Bộ GD&ĐT nêu ra, nhiệm vụ đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống trường ĐH, CĐ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo. Điều này xuất phát từ thực tế nhiều trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh, gây lãng phí nguồn lực của toàn xã hội.

Kỳ vọng năm mới thì nhiều, nhưng hơn cả mọi kế hoạch, giải pháp trên giấy, xã hội đang hy vọng những đổi mới trong giáo dục năm 2016 sẽ được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản bởi những nhà lãnh đạo, những chuyên gia có tâm và có tầm, hết lòng vì sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.Đổi mới bắt đầu từ tư duy và phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (Ghi)