Ngăn chặn tình trạng đội vốn, chi ngân sách vượt định mức
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:10, 04/06/2018
(BKTO) - Vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương NSNN. Nhiều vấn đề nóng khiến dư luận quan tâm như: dự án đầu tư "đội vốn", tình trạng lãng phí trong chi NSNN, chuyển nguồn với số tiền lớn… đã được đại diện Bộ Tài chính giải đáp.
Sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức về chi tiêu và phân bổ ngân sách
Hiện nay, tình trạng chi ngân sách vượt định mức, chi sai chế độ vẫn diễn ra ở một số đơn vị. Cụ thể, qua việc kiểm toán năm 2017 về niên độ ngân sách năm 2016, KTNN đã kiến nghị thu hồi các khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - cho biết: Luật NSNN, Luật KTNN, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong hoạt động quản lý ngân sách. Về cơ bản, việc tiết kiệm chi ngân sách và chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng; trong đó, tiết kiệm kinh phí và vốn nhà nước được 47.945 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc.
Theo ông Hưng, nguyên nhân là do cơ chế giao quyền tự chủ về tài chính cho các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, vấn đề về nhận thức, tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm NSNN và tài sản công còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa sát sao cũng dẫn đến tình trạng chi ngân sách vượt định mức, chi sai chế độ, chi vượt dự toán.
Ông Hưng cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức về chi tiêu và phân bổ ngân sách cũng như ban hành định mức tiết kiệm chi tiêu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện việc trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý và sử dụng NSNN nhưng sẽ yêu cầu trách nhiệm giải trình cao hơn đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương phải công khai kế hoạch chi ngân sách, khoản tiền và mục đích chi theo từng quý, 6 tháng và cả năm, đồng thời phải công khai, minh bạch báo cáo quyết toán ngân sách để người dân có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình ngân sách từ khâu xây dựng chính sách, trình dự toán, thực hiện, quyết toán, kiểm toán và việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Cùng với đó, cần phải tăng cường vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng như sự giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Tăng cường phản biện độc lập để hạn chế tình trạng đội vốn
Một tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách khác cũng đang gây bức xúc dư luận là dự án đội vốn, thậm chí có dự án tăng vốn tới 36 lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Tại cuộc họp báo, các phóng viên đã đề nghị Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân của việc này và trách nhiệm thuộc về ai? Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - cho rằng: Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng đội vốn của một số dự án đầu tư. Luật cũng cho phép điều chỉnh dự án và tăng vốn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.
Theo ông Tuấn Anh, nguyên nhân chung dẫn đến việc đội vốn dự án là do chất lượng khâu lập dự án còn sơ sài và thiếu thực tế. Tiếp đó, chất lượng thẩm định không cao, khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian do giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, quá trình thi công kéo dài, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp.
Ông Tuấn Anh nêu rõ: Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án, đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Do đó, nếu việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hay đội vốn không đúng quy định thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt quyết định điều chỉnh. Cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Để hạn chế tình trạng này, trước hết, các cấp cần thực hiện nghiêm túc quy định, đặc biệt cần tăng cường việc phản biện độc lập trước khi quyết định đầu tư. Đồng thời, cần giám sát, kiểm tra nghiêm túc, có chế tài xử lý mạnh và kịp thời đối với các dự án đội vốn - ông Tuấn Anh nói.
THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 31-5-2018