Giải quyết nhiều vấn đề để đảm bảo công bằng thuế

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:20, 04/06/2018

(BKTO) - Phân tích về cơ cấu thu NSNN từ thuế, Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố cuối tuần qua khẳng định, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo cũng nhấn mạnh một số vấn đề đang đặt ra là bài toán cân bằng thu - chi NSNN và đảm bảo công bằng thuế.


Cần giải bài toán cân bằng thu - chi NSNN

Theo tính toán từ số liệu của Bộ Tài chính, thuế thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu NSNN. Còn lại, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, các khoản thu về phí và lệ phí (trừ phí trước bạ) chiếm gần 10% tổng thu ngân sách (năm 2016) với khoảng 100 loại phí và gần 50 loại lệ phí. Khoản thu về đất ngoài thuế tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách (cao nhất lên tới 11%). Trong nguồn thu về đất ngoài thuế này, thu về tiền sử dụng đất chiếm khoảng 80%. Nhóm chuyên gia nghiên cứu lưu ý đây là nguồn thu một lần, do vậy không bền vững. Trong tương lai gần, nguồn thu này sẽ nhanh chóng cạn kiệt và NSNN sẽ bị thâm hụt ngày càng nặng nề nếu không có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn.

Những năm qua, tổng nguồn thu ngân sách từ thuế được hình thành từ hai nguồn cơ bản: một là các loại thuế đánh vào thu nhập, hai là các loại thuế đánh vào tiêu dùng. Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo cho rằng, hệ thống thuế của Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP và cơ cấu nguồn thu đang chuyển biến theo hướng giảm đi tính công bằng. Mặc dù đã giảm nhưng quy mô thu NSNN vẫn chiếm gần 25% GDP (2016). Nếu tính thêm các số liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản thu ngoài ngân sách, con số này nhiều khả năng sẽ gấp đôi. Thu NSNN rất nhiều nhưng chi luôn vượt thu, chi vẫn ở mức gần 29% GDP (2016) sau khi giảm từ mức đỉnh điểm là 40% GDP (2009).

Giống như thu ngân sách, tỷ lệ chi ngân sách trên GDP của Việt Nam đang có xu hướng giảm trong một thập kỷ trở lại đây. Chi NSNN thường có 3 nhóm lớn là: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và viện trợ. Chi thường xuyên thường chiếm từ 55 - 67% tổng chi NSNN trong giai đoạn 2006-2016.

Do chi tiêu NSNN luôn vượt quá tổng thu nên nhiều năm qua, Việt Nam có tình trạng thâm hụt ngân sách cao, kéo theo là sự tăng lên không ngừng của nợ công.

Để giảm bội chi NSNN, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, có 2 biện pháp là tăng thu và giảm chi. Nhằm đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như: các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể và thoái vốn khỏi các DNNN.

Đo lường công bằng thuế bằng 6 chỉ tiêu

Trong kết quả đo lường Chỉ số Công bằng thuế Việt Nam 2017 bằng 6 chỉ tiêu vừa được công bố cho thấy, chỉ tiêu “Quản lý thuế hiệu quả” được đánh giá rất cao với điểm số 9,3/10 điểm. Chỉ tiêu đứng thứ hai là “Nguồn thu đầy đủ” với điểm số 7,9/10. Chỉ tiêu “Hệ thống thuế lũy tiến” đứng thứ ba với điểm số 7,1/10. Các chỉ tiêu “Quản trị các ưu đãi thuế đối với DN” và “Trách nhiệm giải trình trong tài chính công” xếp thấp nhất với 4,6 và 4,5 điểm. Còn chỉ tiêu “Thuế vì người nghèo” (bộ câu hỏi chỉ đánh giá trên 3 lĩnh vực là chi cho giáo dục, y tế và nông nghiệp) cũng chỉ đạt 5,6/10 điểm.

Từ thực tiễn, các chuyên gia nghiên cứu đánh giá, về ưu điểm, hệ thống thuế của Việt Nam được thành lập với nhiều loại thuế khác nhau phù hợp với thông lệ quốc tế. Các chính sách thuế cũng có tính đến các vấn đề phân phối lại, ưu đãi và miễn giảm thu nhập thấp hoặc cho các DN mới thành lập và các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, có tác động môi trường tốt hoặc được thực hiện từ xa khu vực miền núi hay các đảo. Hệ thống thuế đã loại bỏ sự phân biệt thuế giữa các thành phần kinh tế khác nhau cũng như các đối tượng khác nhau trong nước và nước ngoài.

Báo cáo cũng ghi nhận, Việt Nam đã ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ thông tin trong thu thuế, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm thủ tục hành chính cũng như thời gian và chi phí cho cả người nộp thuế và người thu thuế.

Tuy nhiên, hệ thống thuế của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu nằm trong việc trốn thuế và nợ thuế. Lý do khách quan là do các giao dịch trong nền kinh tế chủ yếu dùng tiền mặt, ít dùng hóa đơn và hợp đồng, một số chính sách miễn, giảm thuế và hoàn thuế dễ bị lợi dụng. Mặt khác, việc phòng, chống chuyển giá vẫn chưa có hiệu quả, gây khó khăn cho việc thu thuế.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, trong quá trình cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tỷ trọng thuế trực thu đang giảm rất nhanh trong tổng thu thuế, nhất là từ sau năm 2011. Tỷ trọng thuế trực thu đã giảm xuống mức 35% trong tổng thu thuế (2016), trong khi tỷ trọng thuế gián thu đã tăng lên mức gần 65% tổng thu thuế.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, thuế gián thu mang tính lũy thoái, còn thuế trực thu mang tính lũy tiến. Với sự thay đổi về tỷ trọng thuế gián thu, nhiều ý kiến quan ngại rằng, người có thu nhập thấp đang phải trả thuế suất trên thu nhập cao hơn người có thu nhập cao. Vì vậy, khuyến nghị quan trọng được đưa ra là bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (những loại thuế mang tính lũy thoái cao) cũng cần được xem xét thận trọng, bởi thuế tiêu dùng được coi là trung tính và tạo ra hiệu quả về việc hành thu song lại được xem là có tác động không tốt đến công bằng trong chi tiêu.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 31-5-2018