Để không còn “nền nông nghiệp giải cứu”
Đầu tư - Ngày đăng : 09:35, 04/06/2018
(BKTO) - Tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 diễn ra vào cuối tuần qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn cần tập trung tháo gỡ nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng “được mùa mất giá”, "giải cứu nông sản” xảy ra liên tiếp khiến người nông dân lao đao.
Tái diễn tình trạng “giải cứu nông sản”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi được ban hành đã tạo sức lan toả cho nông nghiệp. Từ chỗ tăng trưởng âm cách đây 2 năm, năm 2017, nông nghiệp đã tăng trưởng dương trở lại với 2,49% và ghi nhận mức tăng 3,05% trong 4 tháng đầu năm 2018 - mức cao nhất từ trước đến nay. Giá trị xuất khẩu nông sản tăng từng năm: năm 2017 là 36,52 tỷ USD và dự báo, năm 2018, con số này sẽ vượt 40 tỷ USD. Số lượng DN trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 3.700 lên hơn 7.600 DN, cùng với 12.000 hợp tác xã và 33.000 hộ trang trại. Ba nhóm sản phẩm trong nội dung tái cơ cấu gồm: nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và cấp làng, xã được cơ cấu theo hướng tổ chức lại, phát triển theo chuỗi và đang đi đúng hướng.Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là tình trạng “được mùa mất giá”, sản phẩm nông nghiệp mất an toàn vệ sinh, sản xuất thiếu kế hoạch, cung vượt cầu, công cuộc “giải cứu nông sản” chưa có dấu hiệu kết thúc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các vụ “giải cứu nông sản” năm nào cũng tái diễn như: giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản. “Tại sao chúng ta tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản mà không bàn cách không giải cứu nông sản? Đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp” - Đại biểu đặt vấn đề.
Trong khi đó, tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, ông không đồng tình với cách phân loại 3 nhóm sản phẩm trụ cột mà Bộ trưởng nêu, vì điều này có thể dẫn đến hiểu lầm là phân cấp trách nhiệm cho 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Vân, kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, chỉ có quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Như vậy, yếu tố tác động từ các cấp chính quyền mà cụ thể là sự hỗ trợ của Nhà nước và câu chuyện "được mùa rớt giá", "giải cứu nông sản” là hậu quả của tư duy phân cấp. “Trong công nghiệp 4.0 thì nông nghiệp thông minh là nông nghiệp sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ, nhiều nước có thể để ruộng đất bỏ không, nếu không có đặt hàng. Trong khi đó, người nông dân có thói quen sản xuất hàng hóa theo trào lưu tiêu thụ mà không tính tới cung - cầu” - Đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Đổi mới tư duy, thực hiện các chính sách hỗ trợ…
Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, Chính phủ cần xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về chỉ dẫn địa lý, năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá thành. Môi trường internet kết nối vạn vật có thể góp phần giải tỏa được câu chuyện về “giải cứu nông sản”, “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, đây là việc không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn cần sự chung tay của các Bộ, ngành khác.
Mong muốn xóa bỏ một “nền nông nghiệp giải cứu”, “nông nghiệp từ thiện”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất, ngành nông nghiệp cần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản. Tất nhiên, việc chuyển đổi tư duy này không phải chỉ diễn ra ở một vài mùa vụ, hay mang tính tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương mà còn đòi hỏi một hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Muốn vậy, công tác khuyến nông cần được đổi mới theo hướng hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng, đồng thời hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp một cách đồng bộ, từ việc thông tin cụ thể về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trong nông nghiệp đến thông tin về thị trường và yêu cầu tiêu thụ sản phẩm để giúp nông dân chủ động lựa chọn sản xuất phù hợp với quy hoạch và tái sản xuất khi gặp rủi ro. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 31-5-2018