Hỗ trợ 104,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 68 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 15:01, 15/01/2023

(BKTO) - Năm 2022, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, quyết liệt, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
hoi-nghi.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh:molisa.gov.vn

An sinh xã hội được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 diễn ra ngày 14/01, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành LĐTBXH đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,67 triệu người dân, người lao động và trên 1,41 triệu người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.

Ngành LĐTBXH đã tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí hơn 835 tỷ đồng.

Đặc biệt, hơn 1,2 triệu người có công với cách mạng đã được hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên, kinh phí trên 29.000 tỷ đồng.

Năm 2022, ngân sách trung ương bố trí là 8.620 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và khoảng 23.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.

Chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí khoảng 28.000 tỷ đồng. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021…

hoi-nghi-lao-dong.jpg
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành. Ảnh:molisa.gov.vn

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Gần 143.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.

Cũng trong năm qua, ngành LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, trong đó tập trung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Về giáo dục nghề nghiệp, ước thực hiện tuyển sinh trên 2,25 triệu người, đạt 108,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp hơn 2 triệu người, đạt 115% so với kế hoạch.

Hình thành lưới an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành LĐTBXH vẫn đứng trước nhiều thách thức cần phải giải quyết. Đó là vấn đề già hóa dân số; sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm; vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa tới sinh kế của người dân; tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao.

bo-truong-dung.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành LĐTBXH phải nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2035, tầm nhìn 2045. Ảnh:molisa.gov.vn

Bên cạnh đó, việc hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội đòi hỏi phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp.

Để giải quyết các thách thức trên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt, năm 2023, ngành LĐTBXH phải nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân.

Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Theo Báo cáo của Bộ LĐTBXH, ngành LĐTBXH đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67% và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%.

3/3 chỉ tiêu Chính phủ giao đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đưa trên 142.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.

THÀNH ĐỨC