Cảnh giác với hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” của ngành du lịch
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 04/06/2018
(BKTO) - Năm 2017, Việt Nam vươn lên là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Ðây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để “ngành công nghiệp không khói” nước nhà cất cánh. Song chính điều đó cũng đang đặt ra nhiều thách thức, vì sự tăng trưởng quá “nóng” đòi hỏi phải có định hướng, giải pháp mang tính chiến lược để kịp thời điều chỉnh.
Tăng trưởng cao nhưng khả năng cạnh tranh kém
Theo Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), năm 2017, tổng doanh thu từ ngành du lịch của Việt Nam đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Cũng năm 2017, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và là năm đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Những con số này khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của du lịch trong tổng thể kinh tế quốc gia.
Mặc dù du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng trên thực tế, sự phát triển của ngành này vẫn bộc lộ những hạn chế. Báo cáo Tác động kinh tế của du lịch và lữ hành ở Việt Nam năm 2017 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cho biết, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành Việt Nam vào GDP là 9,1%, chỉ xếp trên Brunei, Myanmar. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ du lịch ở các nước đón lượng khách ít hơn như Campuchia, Lào đều cao hơn Việt Nam, với tỷ lệ lần lượt là 28,3% và 14,2%.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá khá tốt về tiềm năng đầu vào để phát triển du lịch ở nước ta. Thế nhưng, những yếu tố để biến tiềm năng thành động lực phát triển lại không được đánh giá cao, thậm chí, một số chỉ số rất thấp như: mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh (hạng 116)… Vì thế, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ xếp thứ 67/136 quốc gia.
Bên cạnh đó, dù khách quốc tế đến nước ta liên tục tăng nhưng cơ cấu khách lại bộc lộ sự thiếu cân đối. Trong số gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, khách Trung Quốc chiếm 31%, khách Hàn Quốc chiếm 18,7%, trong khi đây không phải là các thị trường khách có mức chi tiêu cao. Mặt khác, sự tập trung quá lớn của lượng khách này vào cùng một thời điểm ở một số địa phương nhất định đã làm quá tải sức chứa của điểm đến, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.
Những dẫn chứng trên cho thấy, du lịch Việt Nam đang đứng trước sức ép của việc tăng trưởng "nóng". Trên thực tế, tăng trưởng “nóng” thường kèm nhiều hệ lụy và đe dọa trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành. "Sự tăng trưởng "nóng" cùng sự phụ thuộc vào một số nguồn khách rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, dễ bị tổn thương như từng xảy ra ở một số thời điểm" - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cảnh báo.
Ngăn ngừa doanh nghiệp làm ăn “chụp giật”
Sự tăng trưởng quá "nóng" về lượng khách du lịch cũng gây sức ép lên nguồn nhân lực du lịch vốn còn rất mỏng và yếu ở nước ta. “Khoảng trống” này tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh kinh doanh lữ hành trái phép, xuất hiện đội ngũ hướng dẫn viên “chui”, gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, nghiêm trọng hơn là thuyết minh sai lệch về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Mặt khác, việc các DN du lịch trong nước chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực, nguồn lực tài chính hạn chế dễ dẫn đến tâm lý làm ăn “chụp giật”, hoặc bị đối tác nước ngoài chi phối, lợi dụng để ép giá.
Điển hình như vừa qua, hàng loạt vụ việc hướng dẫn viên Trung Quốc “chui” xuyên tạc lịch sử Việt Nam với du khách khi tham quan Việt Nam khiến dư luận xã hội bức xúc; hay mới đây, chuyện DN lừa du khách mua tour du lịch đi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), nhưng thực tế lại đưa khách đi Cát Bà (Hải Phòng) để thu tiền với giá cao...
Do đó, theo các chuyên gia du lịch, nếu ngành du lịch không có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng để giãn khách thì sự tăng trưởng cao về lượng khách khó có thể là sự tăng trưởng bền vững. “Ðã đến lúc ngành này cần xác định không nên chỉ hướng vào tốc độ tăng trưởng mà phải quan tâm hơn mức đóng góp của du lịch; đưa ra chính sách thu hút thêm nhiều lượng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày ở các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ…” - ông Cao Trí Dũng (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) nói.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017. Theo đó, các DN lữ hành sẽ phải ký một mức quỹ (tối thiểu là 100 triệu đồng) để đảm bảo hoạt động. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm chấn chỉnh mặt trái của ngành du lịch thời gian qua. Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết: “Quy định trên nhằm đảm bảo năng lực tài chính của DN, tránh tình trạng DN ồ ạt mở ra trong khi không kiểm soát được chất lượng. Quan trọng hơn, việc quy định như vậy còn nhằm giải quyết các sự cố xảy ra, đảm bảo quyền lợi của du khách, tránh tình trạng DN chối bỏ trách nhiệm với du khách”.
Đại diện Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, cùng với việc ban hành các quy định quản lý nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh lữ hành, Bộ VH-TT&DL sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm của DN lữ hành, từng bước tạo sự chuyển biến về mọi mặt của hoạt động này.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 31-5-2018