Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023
Kinh tế - Ngày đăng : 18:19, 29/01/2023
Chỉ thị nêu: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 phải khẩn trương tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 theo các Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 01/NQ-CP); trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, công việc trọng tâm sau đây:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước:
Khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP. Đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; quán triệt chủ đề "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", cụ thể hóa chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình, cơ quan, đơn vị mình; theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; thúc đẩy tiến độ triển khai các đề án, dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực và của đất nước.
Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn năm 2023, dự án phải đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định; nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư… Các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công các dự án, đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ hệ thống hành chính nhà nước và đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, số hoá, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Căn cứ chức năng, thẩm quyền được giao, kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có thành tích nổi bật, xuất sắc và tinh thần phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, nhất là đối với những hành động, tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, có tính lan tỏa, ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng và xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:
Tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Hội đồng điều phối các vùng kinh tế - xã hội để thực hiện các Nghị quyết về phát triển vùng của Bộ Chính trị. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch theo quy định.
Tổng hợp tình hình xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể của các Bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 01/2023.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:
Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và khai thác hiệu quả dư địa thu ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Tiếp tục đề xuất các giải pháp phù hợp về chính sách tài khóa để góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó lưu ý đối với nội dung chi đầu tư cần tập trung có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục...
Cùng Bộ Công Thương, các địa phương, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; tăng cường phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2023, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm của từng Bộ, ngành như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường…/.