Dự báo và triển vọng kinh tế năm 2023
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:22, 02/02/2023
Theo dự báo mới nhất ngày 10/01/2023 của WB, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 là 1,7%, năm 2024 là 2,7% và tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020-2024 sẽ ở mức dưới 2% - tốc độ chậm nhất kể từ năm 1960. Cả kinh tế Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ suy yếu rõ rệt, tương ứng các mức tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 0,5% GDP, khu vực đồng tiền chung euro là 0% GDP và Trung Quốc là 4,3% GDP. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn đóng góp 35% GDP của thế giới, sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023…
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố sáng 31/01/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP thế giới năm 2023 sẽ tăng 2,9%, lạm phát trung bình toàn cầu vẫn sẽ vào khoảng 6,6% với khoảng 84% quốc gia sẽ ghi nhận lạm phát năm nay thấp hơn năm ngoái. Trước đó, IMF cho rằng, năm 2023, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng 1%. Đức, Anh và Italia sẽ tăng trưởng âm. Trung Quốc tăng trưởng 4,4%. Các nền kinh tế đang trỗi dậy giữ được tăng trưởng năm 2022 và 2023 đều ở mức 3,7%. Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,1%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3% GDP; Nga tiếp tục tăng trưởng âm 2,3%. Thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ tăng 1% vào năm 2023 so với mức trên 3% năm 2022. Đặc biệt, trong báo cáo công bố trước thềm diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), IMF cảnh báo triển vọng FDI toàn cầu khá ảm đạm và kinh tế thế giới tiếp tục bị phân mảnh thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn về thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ, dự trữ khác nhau và thiếu sự phối hợp đa phương giữa các nền kinh tế lớn sẽ gây ra nhiều biến động, kinh tế toàn cầu bị tổn thất lớn về mặt hiệu quả trong dài hạn, với mức độ từ 0,2-7% GDP toàn cầu. Mức thiệt hại 7% tương đương GDP của cả Đức và Nhật Bản cộng lại.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lạm phát của các nước G20 vào khoảng 6,6%. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tiếp tục duy trì trong suốt năm 2023. Các điều kiện tài chính thắt chặt và sự không chắc chắn của nhà đầu tư tăng cao, dù một số lĩnh vực như: Năng lượng, môi trường, lương thực và M&A vẫn có nhiều tiềm năng đầu tư lớn trong tương lai. Việc tăng chi phí đi vay sẽ tạo áp lực lên dự trữ quốc tế và các khoản nợ công cao, thu hẹp tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp và gia tăng áp lực thị trường nhà ở cả về giá cả và về sức thanh khoản. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, thị trường năng lượng có thể thắt chặt hơn vào năm 2023, giá khó tăng thêm nữa, dù vẫn tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.
Chính sách chống Covid-19 mới của Trung Quốc vừa tạo nhiều kỳ vọng tích cực về tạo động lực tăng trưởng bổ sung, khôi phục các chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế, vừa gây quan ngại về tăng giá năng lượng, phát tán dịch bệnh từ nền kinh tế lớn thứ hai và đông dân nhất thế giới này.
Triển vọng phát triển kinh tế năm 2023 của Việt Nam gắn với những khó khăn chung của thế giới và những điều kiện cụ thể trong nước, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, hành động quyết liệt và thực chất của cả hệ thống chính trị…
Với phương châm điều hành: “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Việt Nam tự tin vượt qua các thách thức năm 2023 trên cơ sở tiếp tục phát huy đà phục hồi và các thành tựu tích lũy được của năm 2022, sự cải thiện về quy mô nền kinh tế, Hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn, Thương hiệu Quốc gia và Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ (Government AI Readiness Index); đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Thực tiễn đã và đang cho thấy, mọi dự báo kinh tế đều có thể bị điều chỉnh, chỉ có quyết tâm tiếp tục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cũng như nâng cao chất lượng năng lực, hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước các cấp, ngành trong dự báo, chủ động kịch bản cho những tình huống mới; phát triển liên kết kinh tế vùng; đồng bộ và lành mạnh hóa các thị trường; giảm thiểu rủi ro và giữ vững lòng tin chính trị, đầu tư, tiêu dùng cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và dài hạn… là không thể thay đổi trên hành trình đưa Việt Nam vươn lên và hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước./.