Đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước

Pháp luật - Ngày đăng : 14:35, 02/02/2023

(BKTO) - Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về việc nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố về lộ trình này.
15.jpg
Công chức Kho bạc Nhà nước tổng hợp Báo cáo quyết toán NSNN. Ảnh sưu tầm

Cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán ngân sách

Bộ Tài chính cho biết, việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN hằng năm trình Chính phủ, Quốc hội còn gặp nhiều vướng mắc do một số Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính báo cáo quyết toán NSNN chậm so với thời hạn quy định, số liệu thay đổi nhiều lần, gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN. Hơn nữa, mô hình quản lý ngân sách lồng ghép cũng làm cho công tác quyết toán NSNN gặp một số khó khăn.

Cũng theo Bộ Tài chính, ở Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Hungary, Pháp, Hà Lan… thời hạn phê chuẩn quyết toán NSNN sớm hơn so với Việt Nam từ 6 đến 10 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách. Nguyên nhân do hệ thống ngân sách của các nước có tính độc lập, không lồng ghép các cấp với nhau. Đặc biệt, quy trình quyết toán ở các nước này cũng tương đối đơn giản, không tổng hợp số liệu toàn tỉnh, toàn quốc như Việt Nam. Quốc hội chỉ phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương (NSTƯ), không phê chuẩn quyết toán của các cấp chính quyền địa phương. Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình.

Theo Bộ Tài chính, để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN, cần sửa đổi quy định để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp. Cụ thể, đối với quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP), tại mỗi cấp ngân sách, HĐND họp để xem xét, phê duyệt quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được HĐND cấp dưới phê duyệt. Đối với NSTƯ, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSTƯ. Quốc hội không phê duyệt lại quyết toán NSĐP đã được HĐND các cấp phê duyệt.

Để giảm sự chồng chéo của các cấp trong việc thẩm định quyết toán và tăng cường trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán NSNN. Cụ thể, đối với NSTƯ, Bộ Tài chính không thẩm định quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp I. Đối với quyết toán NSĐP, cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện không thẩm định quyết toán của ngân sách cấp dưới. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện tổng hợp quyết toán của ngân sách cấp dưới; trong quá trình tổng hợp quyết toán NSĐP, trường hợp phát hiện có sai sót, cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện yêu cầu UBND cấp dưới trình HĐND cùng cấp điều chỉnh lại số liệu.

Về xét duyệt quyết toán NSNN hằng năm của 2 ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định đặc thù đối với việc xét duyệt quyết toán NSNN hằng năm của 2 ngân hàng này, giao Hội đồng quản trị 2 ngân hàng chính sách chịu trách nhiệm xét duyệt quyết toán NSNN hằng năm. Đồng thời, bỏ quy định Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán NSNN hằng năm của 2 ngân hàng chính sách. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan quản lý tài chính sẽ kiểm tra số cấp bù lãi suất và chi phí quản lý theo quy định về chế độ quản lý tài chính đối với 2 ngân hàng này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; tăng trách nhiệm giải trình của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN; sửa đổi thời gian thực hiện các bước của quy trình lập, xét duyệt, tổng hợp, trình quyết toán NSNN.

Thời gian trình báo cáo quyết toán NSNN rút ngắn 6 tháng

Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm. Cụ thể: Bước 1: Đơn vị sử dụng ngân sách chốt số liệu quyết toán NSNN hết ngày 31/01 năm sau (giữ nguyên so với quy định của Luật NSNN 2015). Bước 2: Đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc từ ngày 01/02 đến hết ngày 30/6 năm sau. Bước 3: Các Bộ, cơ quan Trung ương gửi báo cáo quyết toán NSNN cho Bộ Tài chính chậm nhất ngày 01/7 năm sau. UBND cấp tỉnh gửi quyết toán NSĐP (đã được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn) đến Bộ Tài chính chậm nhất ngày 01/7 năm sau. Bỏ quy định cơ quan tài chính các cấp thẩm định quyết toán năm của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình và cơ quan tài chính cấp tỉnh, cấp huyện thẩm định quyết toán năm của ngân sách cấp dưới.

Bước 4: Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát số liệu quyết toán của các Bộ, cơ quan Trung ương và số liệu quyết toán NSĐP đã được HĐND tỉnh phê duyệt trong thời hạn 1 tháng (từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/7 hằng năm). Bước 5: Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và gửi Kiểm toán nhà nước (KTNN) chậm nhất 8 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách. Bước 6: KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Thời gian kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN do Bộ Tài chính gửi từ ngày 01/9 năm sau. Bước 7: Báo cáo quyết toán NSNN trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất 10 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 6 tháng so với quy định của Luật NSNN 2015). Trình Quốc hội chậm nhất là 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách (rút ngắn 6 tháng so với quy định của Luật NSNN 2015). Quốc hội xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán NSNN./.

Theo đại diện Vụ Tổng hợp, KTNN, nếu đề xuất “Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và gửi KTNN chậm nhất là 8 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách” được thông qua thì quy trình này sẽ rút ngắn 6 tháng so với quy định hiện hành. Khi đó, việc kiểm toán của KTNN đối với báo cáo quyết toán NSNN sẽ sớm hơn 6 tháng so với hiện nay, ý kiến của KTNN về báo cáo này (nếu có) sẽ kịp thời hơn cho việc điều hành ngân sách, các kiến nghị của KTNN về khắc phục hạn chế trong từng khâu của chu trình ngân sách (nếu có) sẽ được thực hiện sớm hơn…

THÙY ANH