Tân Cảng Sài Gòn bảo toàn được vốn nhưng vẫn còn một số bất cập trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 15:57, 02/02/2023
Theo đó, qua thực tiễn kiểm toán, KTNN chuyên ngành Ia đánh giá Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật thuế, chế độ kế toán, điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế quản lý tài chính và các quy chế quản lý nội bộ khác do đơn vị ban hành.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Tổng công ty được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Kết quả đáng chú ý được Đoàn kiểm toán xác nhận, năm 2021, doanh thu theo số liệu hợp nhất toàn Tổng công ty là 17.459,6 tỷ đồng, bằng 109,5% năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là 16,2%, bằng 107% năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) của Tổng công ty là 10,2%, bằng 117% năm 2020.
Khả năng thanh toán nợ đến hạn của Tổng công ty là 2,02 lần. KTNN chuyên ngành Ia kết luận, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn bảo toàn được vốn, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.
Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, một số đơn vị được kiểm toán chưa đối chiếu đầy đủ các khoản nợ phải thu, phải trả và vẫn còn một số khoản nợ quá hạn chưa thu hồi được.
Một số đơn vị ghi nhận doanh thu, thu nhập chưa kịp thời; phân bổ vào chi phí giá trị sửa chữa, mua sắm công cụ, dụng cụ, chi phí thuê cơ sở hạ tầng chưa phù hợp…
Tại Công ty TNHH Tân Cảng - Tây Ninh là công ty con, có vốn của Công ty mẹ chiếm 51%, nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán, thành viên góp vốn là Công ty V.G.T. Export Import Transportation Co.Ltd chưa góp đủ vốn do chậm thủ tục pháp lý.
Tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán (tháng 11/2022), Công ty V.G.T. Export Import Transportation Co.Ltd đã góp 4.626 triệu đồng trên tổng số 9.500 triệu đồng phải góp, số vốn còn thiếu là 4.874 triệu đồng.
Cùng với đó, KTNN chuyên ngành Ia đã chỉ ra vấn đề mà Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã “lãng quên” suốt nhiều năm, đó là năm 2022, Tổng công ty đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu “Tân Cảng” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhưng lại chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng thương hiệu.
Vì thế, qua kiểm toán, KTNN phát hiện 20/22 công ty con; 08/09 công ty liên doanh, liên kết với Công ty mẹ và 26/38 công ty liên doanh, liên kết với các công ty con sử dụng logo của Tổng công ty để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không có hợp đồng quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi giữa các bên, không trả phí sử dụng thương hiệu cho Tổng công ty.
KTNN cũng chỉ rõ sai sót của một số đơn vị của Tổng công ty khi chưa xuất hóa đơn và kê khai thuế Giá trị gia tăng đối với hàng biếu, tặng; áp dụng thuế suất ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nộp phạt vi phạm về thuế khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2021 (khoản chi phí không được trừ).
Một số đơn vị cũng chưa tính đủ thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân năm 2021 đối với khoản thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật theo quy định.
Dựa trên kết quả kiểm toán thực tế, KTNN chuyên ngành Ia đã kiến nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị cần chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập, sai sót đã được chỉ rõ trong Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, phát hành cuối tháng 11/2022./.