Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 19:43, 02/02/2023

(BKTO) - Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Bộ trưởng, Chủ nhiện Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023, vừa diễn ra chiều tối nay (02/02), tại Hà Nội.
01.jpg
Quang cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023. Ảnh: HỒNG NHUNG

Kinh tế-xã hội tháng 1 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt tổ chức Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tình hình Tết và các nhiệm vụ, giải pháp sau Tết. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, bắt tay ngay vào công việc theo các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho rằng: Triển khai các kết luận của TW, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội năm 2023 và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01. Với tinh thần đó, mặc dù số ngày làm việc chỉ bằng 2/3 bình thường (do thời gian 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng), kinh tế-xã hội tháng 01/2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu NSNN đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh của thị trường quốc tế.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt trên 593 nghìn tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 tăng 20% so với năm 2022…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng nền kinh tế còn không ít khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên là: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; sức ép lạm phát còn cao; lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản còn vướng mắc, bất cập; các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%); giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế; thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...

02.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiện Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Khẩn trương hoàn thành phân bổ 14,1 nghìn tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Theo Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn, thời gian tới, dự báo tình hình có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng.

Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, trong đó, sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống.

Chú trọng khơi thông thị trường gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội nhu cầu lương thực đang tăng trên thế giới và của các thị trường lớn.

Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến chế tạo ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; hoàn thiện, phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế.

Tập trung nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, sửa đổi ngay các nghị định, thông tư đang có vướng mắc; đổi mới cách làm, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh ở các cấp, các ngành; đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát, giảm tối đa các thủ tục hành chính làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, tập trung triển khai Đề án 06 và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14,1 nghìn tỷ). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2…

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: Vấn đề giá điện; sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm; tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng lớn (Việt Á, Cục Lãnh sự…); giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thuận lợi và khó khăn trong hoạt động xuất khẩu; tiến độ sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp…/.

HỒNG NHUNG