Ưu tiên giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng lao động

Đối nội - Ngày đăng : 08:45, 06/06/2018

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, ngày 05/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thị trường lao động, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em…Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.


Doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp

Trả lời chất vấn về các giải pháp ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trình độ lao động của đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Trần Văn Mão (Nghệ An), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, song hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn thấp. Hết năm 2017, vẫn còn 40% lao động nông nghiệp, đến hết tháng 4/2018 là 38,6%; lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng đóng góp vào GDP chỉ có 15,34%.

Toàn cảnh phiên trả lời chất vất trước Quốc hội của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.Ảnh: Quochoi.vn
Cùng với đó, cơ cấu đào tạo bất hợp lý, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về kỹ năng, các điều kiện đảm bảo môi trường lao động, thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh… Do vậy, thời gian tới, ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH chọn là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó Bộ sẽ tập trung vào 3 trọng tâm. Đó là tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ, tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp và chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với DN, DN đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động...

         
“Chúng tôi chọn đây là một khâu đột phá và bắt đầu làm thí điểm 10 trường liên kết, ký kết với 15 tập đoàn và khởi đầu bằng đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ là 150.000 lao động.... Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là sự mở đầu, nhưng sự mở đầu này rất quan trọng để tạo cho chúng ta một hướng đi mới”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng cơ cấu lao động phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, phải tập trung xử lý giải quyết việc làm cho 250.000 sinh viên có trình độ đang thất nghiệp; giải quyết chăm lo cho số đầu vào, phân luồng mạnh, tập trung lực lượng lao động vào tuổi 15; tập trung đào tạo và đào tạo lại số đang có việc nhưng nguy cơ sa thải cao như da giày, dệt may, công nghệ…

Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về vấn đề tổ chức lại bộ máy thì giải pháp sắp xếp lại dạy nghề như thế nào để chống lãng phí? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc tập trung, củng cố, sắp xếp, rà soát lại tổ chức bộ máy giáo dục nghề nghiệp là một yêu cầu cần thiết. Hiện nay, chúng ta còn 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, 397 trường cao đẳng thì 307 trường công lập; 525 trường trung cấp với phần lớn là công lập, hơn 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.

Trong 2 năm qua, Bộ đã cùng với các địa phương tập trung sắp xếp một bước các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả, đã giảm được 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở nghề nghiệp ở các huyện theo phương châm tích hợp lại 3 trong 1 và 2 trong 1. Tức là 3 trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giáo dục tổng hợp sáp nhập làm 1 hoặc 2. Do đó, bước đầu, bộ máy cũng tinh gọn hơn.

“Hiện nay, chúng tôi đang cùng với các địa phương rà soát lại theo tinh thần Hội nghị T.Ư 6 là những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng yêu cầu trong thời gian 3 năm vừa qua thì mạnh dạn tổ chức, sắp xếp lại, nếu trường nào không đáp ứng được nữa thì có thể giải thể”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 05/6. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức lại các trường trung cấp theo hướng trường một địa phương, nhất là các địa phương ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, chỉ cần một trường cao đẳng nhưng trong trường đó, hệ trung cấp và sơ cấp đều có, để đảm bảo vừa tinh gọn bộ máy nhưng hoạt động hiệu quả.

Phương án của Nghị quyết T.Ư 6 đưa ra 3 giai đoạn. Cụ thể, năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, biên chế, đơn vị tự chủ đều lần lượt giảm 10%, đến năm 2025 thì gấp đôi lên và 2030 tiếp tục gấp đôi lên. “Quyết tâm của chúng tôi là đến năm 2021 sẽ đạt chỉ tiêu của năm 2030. Nhưng không chỉ tập trung và củng cố giảm số lượng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Đ. KHOA