Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 08:16, 06/02/2023

(BKTO) - Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề cập đến nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng; phát triển bền vững thị trường trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ngoài nước và thúc đẩy xuất khẩu…

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2022, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực. GDP tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.

bt.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: BCT

“Đóng góp vào các thành tích chung đó, Bộ Công Thương đã chủ động, sáng tạo, triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả quan trọng” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về cơ bản, ngành Công Thương đã bảo đảm đủ nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Xuất nhập khẩu tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.

Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, đưa nước ta vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tháng 01/2023 có 02 kỳ nghỉ là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán nên đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, vì vậy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%).

Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước được bảo đảm. Mặc dù trước Tết, xảy ra sự cố tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn làm giảm sản lượng xăng dầu cung cấp ra thị trường và có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ Tết hoặc nhập hàng chậm, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp khắc phục, các cửa hàng sau đó đã bán hàng bình thường trở lại.

Đối với cung ứng điện, các nhà máy điện vận hành ổn định. Hệ thống điện luôn bảo đảm dự phòng cao. Các Tổng công ty Điện lực cung ứng điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong dịp nghỉ Tết.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập đang hiện hữu. Trong đó, sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; việc đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Sức mua trong nước hồi phục chậm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; cần phải có các giải pháp khắc phục kịp thời ngay từ đầu năm nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...

Bên cạnh đó, Bộ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng các giải pháp khơi thông các rào cản về vốn, tín dụng, thủ tục hành chính… để nâng cao giá trị gia tăng các ngành chế biến, chế tạo; thúc đẩy triển khai các dự án sản xuất và khai khoáng mới, nhất là các dự án trọng điểm, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ cũng tiếp tục tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng, gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc; chú trọng phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, Bộ sẽ nỗ lực đẩy mạnh sức mua trong nước thông qua thực hiện một cách hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa...

Đáng chú ý, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

QUỲNH ANH