Kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong cải thiện mức tăng trưởng

Đầu tư - Ngày đăng : 14:10, 06/06/2018

(BKTO) - Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp thực hiện và công bố sáng nay (6/6), tại Hà Nội.


Theo ICAEW, các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018, dù đầu năm đã có bước khởi đầu tốt. Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế có giảm sút trong quý I, sau khi đã đạt kết quả rất tốt vào thời điểm cuối 2017. Tuy nhiên, nếu tính từng quý thì đây vẫn là kết quả tốt nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua nhờ duy trì tiềm lực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành dịch vụ hoạt động tốt và sản lượng nông nghiệp tăng.

Ông Mark Billington - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW, cho biết: “Tuy sức cầu ngoài nước của Việt Nam dự kiến sẽ giảm nhẹ nhưng cầu trong nước trong năm 2018 dự báo sẽ tăng, nhờ thu hút luồng vốn FDI tốt. Trong giai đoạn 2019-2020, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 6,3% so với mức dự báo 6,6% cho năm nay, do giảm nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kỳ thương mại toàn cầu bão hòa”.


Theo ICAEW, năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6%, giảm nhẹ so với 6,8% của năm ngoái. Ảnh: ST

Đáng lưu ý, nhờ cải thiện đồng bộ về thương mại toàn cầu trong năm ngoái, đặc biệt trong ngành hàng điện tử, mà xuất khẩu hàng hóa tính bằng đồng đô la Mỹ năm 2017 của Việt Nam tăng 21,2%. Ngoài ra, mức tổng cầu cũng tăng nhờ tăng đầu tư trong nước 9,8% do đạt mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao và tăng trưởng tín dụng nhanh. Năm ngoái, thu hút vốn FDI tăng 47%, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo và xây dựng/bất động sản là những ngành chính được hưởng lợi. Hơn nữa, số vốn đăng ký mới tăng 40% cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được kết quả tốt về đầu tư, qua đó phần nào bù đắp cho dự báo tăng trưởng xuất khẩu giảm.

Thu hút vốn FDI dự kiến sẽ vẫn đạt kết quả tốt trong trung hạn, do Việt Nam có lực lượng lao động lớn và mức lương tương đối thấp, có chủ trương mở cửa thương mại với số lượng lớn các hiệp định thương mại được ký kết và cải thiện được môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, để cải thiện mức tăng trưởng của nền kinh tế, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức ngắn hạn và dài hạn mà Việt Nam phải đối mặt và tìm cách vượt qua, trong đó có tình trạng lệ thuộc vào thị trường xuất, nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ dễ bị tổn thương bởi sự thay đổi chính sách của các thị trường này; tăng trưởng tín dụng nhanh dẫn đến nguy cơ lạm phát cao hơn...

Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra một số nhận định về triển vọng tăng trưởng của khu vực, sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ, từ đó cải thiện tình hình việc làm. Xu hướng này sẽ giúp mức lương tăng nhẹ và cùng với chính sách hỗ trợ tài chính bổ sung sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng.

Đề cập đến vấn đề và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam năm 2017 - 2018, trong báo cáo cùng tên, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã điểm lại những dấu ấn nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Bên cạnh những kết quả đạt được, theo TS. Trần Đình Thiên, nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao, bền vững hơn. Trong đó nổi lên các vấn đề như: hoạt động của DNNN gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; gánh nặng chi phí nuôi bộ máy quản lý nhà nước quá lớn; cải cách hành chính còn chậm…

Theo ông Thiên, cùng với những nỗ lực nhằm chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam cần có cách tiếp cận mới để cải thiện mức tăng trưởng, trong đó cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng xây dựng hệ thống thể chế và phát triển công nghệ phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn hệ thống…

Tại buổi công bố báo cáo, các diễn gia, chuyên gia cũng trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề phát triển nền kinh tế Việt Nam.

         
Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á do Oxford Economics, một đối tác của ICAEW chuyên về dự báo kinh tế soạn thảo. Báo cáo tiến hành đánh giá thường kỳ hàng quý các nền kinh tế Đông Nam Á, tập trung vào các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.


NGUYỄN LỘC