Luôn xác định đúng động cơ vào Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 23:53, 09/02/2023

Trong công tác phát triển đảng viên mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng đến việc xây dựng động cơ vào Đảng.
2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự Lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (ngày 14/5/1966). Ảnh: TTXVN

Trong công tác phát triển đảng viên mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng đến việc xây dựng động cơ vào Đảng. Một trong những nội dung quan trọng được quy định rõ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: Thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét kết nạp vào Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định: “Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ; chí khí phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền”. Người cũng luôn nhấn mạnh: “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì: “Dù nhân dân ta đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”.

Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng “là làm đầy tớ của nhân dân” và Đảng “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và Tổ quốc”. Vì vậy, theo Người: “Đảng không phải là một đoàn thể để cầu danh lợi, hẹp hòi, nhỏ nhen” hay “một tổ chức để làm quan phát tài”; mà Đảng “Phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không quần chúng sẽ đá đít”.

Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Theo Người: “Nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho dân”. Vì vậy, Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến việc xác định động cơ vào Đảng.

Hồ Chủ tịch cũng khẳng định: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Từ đó, Người yêu cầu: “Đảng cần làm cho thành phần đảng viên trong sạch, phải bồi dưỡng và hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động. Phải nâng cao trình độ lý luận và chính trị của đảng viên. Phải tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên. Phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính trị của đảng viên”.

Một trong những nội dung quan trọng khi phát triển đảng viên là phải xây dựng động cơ trong sáng cho người vào Đảng. Trong bài nói tại Lớp huấn luyện đảng viên mới vào ngày 14/5/1966, Người chỉ rõ: “Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra: “Đảng có rất đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng. Thí dụ: Có người tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào… Những người này không biết rằng: Cách mạng là một sự nghiệp gian nan cực khổ, phải có lòng kiên quyết, có chí hy sinh”.

Với quan điểm: “Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm tập trung xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đảng viên của Đảng. Vừa qua, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XIII của Đảng đã đưa ra nhiều vấn đề cơ bản về việc tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết khẳng định những thành tựu mà Đảng đã đạt được: “Công tác phát triển đảng viên được chú trọng; số lượng đảng viên nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, chủ doanh nghiệp tư nhân tăng. Chất lượng đội ngũ đảng viên chuyển biến tích cực, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị được nâng cao hơn. Phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân”.

Đồng thời, Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm, như: “Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng”. Nguyên nhân của tình trạng trên là do: “Công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn hạn chế, nặng về số lượng, chưa quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện, thử thách đối với quần chúng phấn đấu vào Đảng”.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp tích cực, hiệu quả. Trong đó, Nghị quyết xác định rõ: “Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển Đảng; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên của cả nhiệm kỳ và hằng năm”.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc: “Tạo môi trường thuận lợi để quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng”. Muốn làm tốt việc này thì Nghị quyết yêu cầu phải có những đổi mới trong công tác tuyên truyền giáo dục cả về nội dung và hình thức, bảo đảm động cơ lý tưởng tốt đẹp cho quần chúng ưu tú vào Đảng. Cụ thể là: “Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền của đảng viên, tính tiên phong, gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng”.

Cùng với đó, yêu tố hết sức quan trọng và cần thiết, có ý nghĩa quyết định chính là sự tự nguyện, tự giác xây dựng, bồi đắp mục tiêu, lý tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng của đội ngũ quần chúng của Đảng. Chỉ có tự thân xác định đúng động cơ vào Đảng, tự giác, nghiêm túc rèn luyện phấn đấu thì mỗi người mới có được kỷ luật sắt xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng, bởi như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Không có kỷ luật sắt thì không có Đảng”.

Nắm vững và triển khai tích cực bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đội ngũ những quần chúng ưu tú tự nguyện, tự giác, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, nhất định công tác phát triển Đảng sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, để Đảng ngày càng thêm vững mạnh, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam vững bước đi lên./.

Đảng cần làm cho thành phần đảng viên trong sạch, phải bồi dưỡng và hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động. Phải nâng cao trình độ lý luận và chính trị của đảng viên. Phải tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên. Phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính trị của đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

CÔNG MINH