Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp: Tạo sức mạnh từ bên trong

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 23:54, 09/02/2023

(BKTO) - Trong bối cảnh số cuộc kiểm toán được cắt giảm để tập trung vào các nhiệm vụ kiểm toán quan trọng và nâng cao chất lượng kiểm toán, toàn ngành Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm toán viên (KTV), gắn với việc tăng cường bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ cho từng công chức, KTV tham gia hoạt động kiểm toán.
9680a5f7d6a40cfa55b5.jpg
Ảnh: Chú trọng nâng cao nghiệp vụ gắn với đạo đức công vụ cho KTV. Ảnh tư liệu

Chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho kiểm toán viên

Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, nhìn lại xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, KTNN luôn coi trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, gắn với đạo đức công vụ cho KTV. Với việc giảm số cuộc kiểm toán, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành năm nay cũng có sự thay đổi phù hợp, trong đó yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, đạo đức công vụ được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, dựa trên đặc thù công việc, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị trong năm nay sẽ bám sát vào các cuộc kiểm toán trong năm để tiếp tục nâng cao trình độ của công chức, KTV. Theo đó, đơn vị sẽ đăng ký KTV tham dự các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch chung của Ngành đảm bảo đúng đối tượng và nhu cầu của KTV. “Đơn vị luôn tạo điều kiện để các KTV không thực hiện nhiệm vụ kiểm toán khi tham gia các lớp bồi dưỡng” - lãnh đạo đơn vị cho biết; đồng thời về phía đơn vị sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nội bộ; tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực kiểm toán mới...

Còn theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, năm 2023, cùng với toàn Ngành, đơn vị sẽ tham gia kiểm toán nhiều nội dung liên quan đến chính sách phục hồi kinh tế của Quốc hội. Ý thức rõ điều đó, đơn vị sẽ sắp xếp lại nguồn nhân lực tham gia kiểm toán cho phù hợp, đồng thời tập trung nâng cao năng lực, trình độ cho KTV thông qua nhiều biện pháp, trong đó có việc khuyến khích tinh thần tự học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho KTV tham gia học tập, bồi dưỡng. Đơn vị cũng sẽ tích cực trao đổi thảo luận về kinh nghiệm, kỹ năng kiểm toán để đạt mục tiêu đề ra. Bởi “nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ KTV đóng vai trò quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ sắp tới” - Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm cho biết.

Là đơn vị được giao tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, lãnh đạo Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho biết, trong năm 2023, ngoài các khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, Ngành sẽ tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về kiểm toán cho KTV theo từng lĩnh vực, đặc biệt là gắn với các nhiệm vụ kiểm toán quan trọng được Quốc hội giao, các lĩnh vực kiểm toán mới, khó; đa dạng hóa hình thức đào tạo... “Ngoài các lớp đào tạo theo kế hoạch, Trường sẽ chủ động đề xuất và tổ chức tốt các lớp bổ sung, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao nhất để phục vụ hoạt động kiểm toán” - lãnh đạo Trường cho biết thêm.

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao đạo đức công vụ

Bên cạnh mục tiêu nâng cao trình độ, năng lực cho KTV, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của KTNN, đó là nâng cao ý thức của đội ngũ KTV. Đây cũng là trăn trở của Tổng Kiểm toán nhà nước khi làm việc với các đơn vị kiểm toán.

Nhấn mạnh chủ đề công tác năm 2023 là “Chất lượng và đạo đức công vụ”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN sẽ tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ cho KTV. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt và trở nên quan trọng trong bối cảnh kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với KTNN ngày càng cao; những rủi ro, thách thức đặt ra cho KTNN ngày một lớn đòi hỏi quyết tâm, bản lĩnh chính trị cao của từng KTV. Đó là lý do Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ ra đời và đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng, gắn với đạo đức công vụ” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

KTNN là một trong những công cụ quan trọng của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Muốn vũ khí trở nên sắc bén, hiệu quả thì phải tạo được sức mạnh từ bên trong, đó là đội ngũ KTV phải “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng” và để đạt được điều này, KTNN phải chú trọng nâng cao chất lượng và đạo đức công vụ cho công chức, KTV.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Sự quyết liệt trong chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước đã góp phần khẳng định quyết tâm của KTNN trong việc luôn coi trọng đạo đức nghề nghiệp và đối phó với hành vi tiêu cực, gian lận trong hoạt động kiểm toán. Xác định rõ tầm quan trọng của đạo đức công vụ, từ năm 2014, KTNN đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp - Chuẩn mực KTNN số 30 quy định về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bộ Quy tắc được coi là cơ sở để KTV rèn luyện ý thức, nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành quy định về đạo đức nghề nghiệp. “Các văn bản hướng dẫn chuẩn mực và nghiệp vụ kiểm toán đang tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp, đi đôi với công tác bồi dưỡng để góp phần nâng cao ý thức cho KTV” - lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, KTNN cho biết; đồng thời nhấn mạnh KTNN cũng chú trọng việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình chuyên môn nghiệp vụ của KTV.

Cho rằng nâng cao đạo đức công vụ cho KTV là kết quả của quá trình thực hiện nhiều biện pháp trong một thời gian dài, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, việc nắm bắt tốt tư tưởng của KTV để có sự hỗ trợ phù hợp; trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp…, chính là “sức mạnh mềm”, kiên định thực hiện sẽ tạo sự chuyển biến tích cực. “Lãnh đạo các đơn vị, người có uy tín cần tăng cường chia sẻ, truyền lửa nghề, nêu cao ý thức trách nhiệm cho các thế hệ sau” - ông Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Viết Hùng cũng cho rằng, để nâng cao đạo đức công vụ, trước tiên cần tăng cường quán triệt việc chấp hành các quy định, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước; lồng ghép việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho KTV trong các hoạt động của đơn vị, nhất là hoạt động vì cộng đồng và trong thực thi nhiệm vụ… “Mục tiêu là phải để KTV nhận thức được đầy đủ ý thức, trách nhiệm của mình liên quan đến việc bảo đảm tính độc lập trong quá trình kiểm toán; thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức về lòng tự trọng nghề nghiệp” - ông Hùng cho biết./.

N.LỘC