Phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân trong sửa đổi Luật Đất đai

Pháp luật - Ngày đăng : 13:09, 16/02/2023

(BKTO) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân rộng rãi. Với tầm quan trọng của Dự án Luật này, việc lấy ý kiến nhân dân được đánh giá là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai; tạo cơ sở để người dân trực tiếp thể hiện ý chí đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước.
ae3002739a54400a1945.jpg

 Việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ảnh sưu tầm

Cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật

Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế khiến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp… Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Đây là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật còn là minh chứng cho thấy Nhà nước luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phát huy vai trò, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật, thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Với tinh thần đó, ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật. Theo Nghị quyết của Chính phủ, việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến cũng như hình thức lấy ý kiến cũng được xác định rõ.

Tổ chức lấy ý kiến một cách bài bản, khoa học, dân chủ, khách quan

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của Luật, đồng thời tạo sự thống nhất về ý chí, hành động và sự đồng thuận của nhân dân. “Nhân dân có đồng thuận với những nội dung chính sách lớn của Dự thảo Luật thì sau mới chủ động, tích cực chấp hành và Luật mới đi vào cuộc sống. Thông qua việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật cũng góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quản lý, sử dụng đất đai đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, vận động nhân dân tích cực chấp hành và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai” - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến người dân rộng rãi và thực sự bài bản, khoa học, chặt chẽ sẽ có tác động tới cả 2 phía, từ phía hoàn thiện Luật và thực thi sau khi Luật được ban hành. Quá trình lấy ý kiến, cần đảm bảo người dân nhận thức rõ và đúng về việc những quy định sửa đổi của Luật. Khi người dân hiểu rõ những quy định đó sẽ ảnh hưởng, tác động thế nào đến quan hệ đất đai cũng như quyền và nghĩa vụ của họ thì họ mới có thể có ý kiến sâu sát vào Dự thảo Luật.

Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam), cần lắng nghe, tổng hợp ý kiến của nhân dân một cách đầy đủ nhất thì việc hoàn thiện Dự thảo Luật mới hiệu quả. Đồng thời, báo cáo đánh giá tổng kết Luật Đất đai hiện hành, cả mặt được và chưa được; báo cáo đánh giá tác động của các chính sách mới cần cung cấp thông tin cho nhân dân một cách công khai, đầy đủ nhất. “Chúng ta không kỳ vọng mọi vướng mắc về đất đai đều có thể sửa được ngay, nhưng qua ý kiến nhân dân, chúng ta sẽ biết được là thực tiễn đang đòi hỏi gì để việc sửa đổi sát với thực tiễn” - đại biểu Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.

Để đảm bảo người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức những hội nghị, mời người dân đến tham gia thảo luận. Nội dung thảo luận, lấy ý kiến cần tập trung vào những vấn đề bất cập, gây bức xúc cho người dân cũng như gây khó khăn trong tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương. “Về vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, bây giờ Luật quy định đền bù theo giá thị trường hay theo quy định của Nhà nước. Đây là quyền lợi của người dân và chính quyền cũng đang rất khó khăn xử lý vấn đề này. Đó chính là vấn đề cốt lõi, trọng tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” - đại biểu Hòa dẫn chứng./.

Đ. KHOA